Yang Zhao cho biết, nhóm đang hướng tới phát triển một hệ thống có chi phí hợp lý cho gia cầm và người nuôi.
(Người Chăn Nuôi) - Một nhóm các nhà khoa học sẽ sử dụng khoản tài trợ 1 triệu USD để nghiên cứu và triển khai hệ thống thị giác máy tính giám sát hoạt động chăn nuôi gia cầm.
Chi phí hợp lý
Mục đích của Dự án này là tạo ra một hệ thống thị giác máy tính để theo dõi các hành vi trên gia cầm và đưa ra giải pháp trong thời gian thực. Khoản tài trợ từ Chương trình Sáng kiến Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm (AFRI) đã được trao cho một nhóm nghiên cứu của Viện Nông nghiệp UT, Trường Đại học Tennessee, Mỹ.
Thị giác máy tính là một công nghệ bao gồm các phương pháp thu nhận, xử lý ảnh kỹ thuật số, phân tích và nhận dạng các hình ảnh, nói chung là dữ liệu đa chiều từ thế giới thực để cho ra các thông tin số hoặc biểu tượng, ví dụ trong các dạng quyết định. Nói một cách đơn giản, công nghệ này sử dụng máy ảnh và máy tính thay vì mắt người để xác định, theo dõi và đo lường các mục tiêu để xử lý hình ảnh sâu hơn.
Với sự phát triển của thị giác máy tính, công nghệ này đã được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tự động hóa nông nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành. Ứng dụng công nghệ thị giác máy tính trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng có thể giúp phát triển tự động hóa sản xuất chăn nuôi đạt được ưu điểm là chi phí thấp, hiệu quả cao và độ chính xác cao.
Trong chăn nuôi gia súc, một hệ thống thị giác máy tính chính xác đã được triển khai và ứng dụng để theo dõi hoạt động, trạng thái và các dấu hiệu khác về sự căng thẳng và phúc lợi của động vật. Tuy nhiên, đối với gia cầm, các nhà nghiên cứu cho biết, việc giám sát sẽ khó hơn vì kích thước của chúng nhỏ hơn nhiều và mật độ đàn cũng cao hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu, trợ lý giáo sư Yang Zhao tại Khoa động vật thuộc Viện Nông nghiệp UT cho biết: “Hệ thống thị giác máy tính mà chúng tôi sắp phát triển sẽ sử dụng các camera giám sát có sẵn cùng với các thuật toán máy học nhẹ và học sâu. Nó sẽ là một hệ thống có chi phí vừa hợp lý cho những người nuôi gà thịt. Chúng tôi hy vọng nó sẽ có thể nắm bắt hoạt động của gà thịt, mức độ di chuyển và một số hành vi liên quan đến phúc lợi như vươn vai, rỉa long, tắm bụi cũng như các hành vi liên quan đến sản xuất như ăn, uống trong thời gian thực”. Nhóm nghiên cứu sẽ phát triển một cơ sở dữ liệu điểm chuẩn với các ghi chú chi tiết về hành vi của các loài gia cầm. Công nghệ trí tuệ nhân tạo và phân tích hình ảnh video sẽ cho phép các nhà nghiên cứu tiếp nhận các hình ảnh thu được hay tập dữ liệu đa chiều để phân tích, xử lý nó theo ý muốn.
Tự động thu thập hành vi của gia cầm
Zhao nói rằng, Dự án này cung cấp khoản hỗ trợ để kịp thời phát triển một hệ thống với chi phí phải chăng có thể giúp người nuôi gà thịt tự động thu thập các phản ứng hành vi của gia cầm, từ đó có thể quản lý đàn tốt hơn tại các trang trại thương mại.
“Một hệ thống tương tự để chăn nuôi gà thịt thương mại cũng đã có, tuy nhiên chi phí của hệ thống này cao và nó không thu thập được nhiều hành vi của gia cầm như mong muốn. Vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng nhóm có thể phát triển một hệ thống với giá cả hợp lý, đồng thời cũng có khả năng tốt hơn trong Dự án này. Hệ thống này sẽ giúp chúng tôi hiểu được môi trường và cách thức quản lý ảnh hưởng đến phúc lợi của gia cầm như thế nào? Ngoài ra, hệ thống có khả năng gửi cho người nuôi những cảnh báo khi quan sát thấy bất thường về phúc lợi”, Zhao cho biết thêm.
Dự án bắt đầu vào ngày 1/2/2022, Zhao và nhóm của ông dự kiến sẽ có một hệ thống nguyên mẫu sẵn sàng để trình diễn muộn nhất vào cuối năm 2025. Chi phí ước tính của hệ thống là 2.500 USD/chuồng nuôi.
Diệu Châu
(The Poultryworld)
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Cắt mỏ gà là việc làm cần thiết bởi không những hạn chế được các hiện tượng gà cắn mổ nhau, ăn lông, ăn thịt nhau… mà còn tiết kiệm thức ăn tiêu tốn cho một đơn vị sản phẩm, tăng hiệu quả hấp thụ thức...
Ông Nguyễn Ngọc Danh (xã An Phúc, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những nông dân sản xuất giỏi cấp huyện 3 năm liền. Với 10 công đất áp dụng mô hình sản xuất đa con, mỗi năm ông Danh lãi hơn 200 triệu đồng.
Từ chăn nuôi bò vỗ béo, gia đình ông Hầu Văn Thành, dân tộc Mông, xóm Nà Thằn, xã Thạch Lâm (Bảo Lâm) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET