Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Cử nhân lên núi chăn bò, đút két hơn 2 tỷ/năm

Cập nhật: 01/07/2017

Diễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVET
Tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, rất nhiều cử nhân tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu Việt Nam đã về quê... nuôi bò. Họ thu được hàng tỷ đồng mỗi năm.

Quan niệm nông dân nuôi bò đi chân đất, không học hành, bằng cấp giờ đã quá lỗi thời. Bởi, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, rất nhiều cử nhân tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu Việt Nam đã về quê... nuôi bò. Họ thu được hàng tỷ đồng mỗi năm, thậm chí có người lãi tới 2,4 tỷ đồng.

Chiều cuối năm, trong khi nhiều gia đình đã dọn dẹp nhà cửa tươm tất, chuẩn bị đón cái Tết Đinh Dậu thì anh Phan Doãn Huấn ở tiểu khu 26/7 thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) vẫn khoác bộ quần áo công nhân màu xanh, chân đi ủng, chăm chỉ đẩy xe cỏ khô nhập ngoại cho đàn bò sữa ăn, sau khi chúng vừa được vắt sữa. Thấy chúng tôi, anh Huấn cười ngượng ngùng, lấy tay gãi đầu bối rối rồi mời vào nhà uống nước ngồi chơi.

Anh Huấn bên đàn bò sữa của gia đình. Ảnh: Bảo Hân.

Từ trong bếp, vợ anh Huấn bê ra mấy cốc sữa tươi ấm nóng mời mọi người thưởng thức, thay cho nước trà. Chị khoe đây là sữa tươi, được vắt từ những con bò sữa trong trại của gia đình. Đưa cốc sữa lên uống một hơi cạn, anh Huấn chia sẻ, 10 năm chăn bò ở quê, thành quả là ngoài sữa tươi đem bán, gia đình anh còn được uống thoải mái, dùng thay nước hàng ngày.

Anh Huấn kể từng tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông tại Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó đi làm cho một công ty với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Sau 6 tháng làm đúng chuyên ngành được học, anh quyết định xin nghỉ việc, về quê kế nghiệp nuôi bò sữa của gia đình.

Hồi 2008, khi mới về quê, đàn bò nhà anh vỏn vẹn chỉ 35 con. Đến bây giờ, sau 8 năm, con số này là 120 con, gấp gần 4 lần. Trong đó, có 44 con đang cho sữa, với 1,2-1,3 tấn/ngày. Tính ra, mỗi tháng anh đút túi hơn 200 triệu đồng tiền lãi.

Nhìn lại cơ ngơi khang trang với đàn bò béo tốt đang độ cho sữa của mấy anh chị em trong nhà, anh Huấn thừa nhận, để có khoản thu nhập ổn định như trên là không hề đơn giản. Hàng ngày, mấy anh chị em trong gia đình phải dậy từ 4 giờ sáng để vắt sữa bò, cắt cỏ, dọn chuồng trại, cho bò ăn, đến tầm 6-7 giờ tối mới kết thúc.

Đều đặn 365 ngày trong năm, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, lúc nào các thành viên trong gia đình anh cũng tất bật với con bò, chẳng khác gì chăm con mọn. Song, nhờ đó mà gia đình anh được ấm no, thu nhập ổn định với 2,4 tỷ đồng/năm (chia đều cho các thành viên).

“Những năm đầu tiên, tiền lãi được ưu tiên để đầu tư trang thiết bị, máy móc vào phục vụ cho quá trình chăn nuôi, giúp giảm bớt sức người, mở rộng đàn bò. Song gần đây, số lượng bò tăng lên mức ổn định, tiền lãi từ nuôi bò được ưu tiên cho việc tích lũy, gia đình người em cũng sắm được chiếc ôtô con tiện bề đi lại”, anh Huấn khoe.

Kiến thức đại học chưa bao giờ thừa

Nguồn thu từ đàn bò sữa giúp gia đình anh có cuộc sống đủ đầy, còn mua được xe ôtô

.

Anh Huấn chia sẻ, khi quyết định bỏ việc để về quê chăn bò, bạn bè anh ai cũng can ngăn, nói sau này có thể sẽ phải hối hận vì bỏ phí mấy năm trời ăn học.

Song, theo anh, học thì không bao giờ thừa. Có thể, công việc chăn bò không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo, nhưng nhờ có kiến thức, anh và gia đình biết áp dụng, đưa máy móc hiện đại vào việc nuôi bò; cách nhìn, tư tưởng cũng tiến bộ hơn so với thời bố mẹ anh rất nhiều.

Đơn cử, hồi mới tiếp nhận trang trại bò sữa, số tiền lãi thu được anh dồn vào tập trung đầu tư máy móc hiện đại như máy cắt cỏ, máy băm thái,... giúp giảm bớt sức lao động mà công việc đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Trước đó, trang trại chỉ có 35 con bò mà cần tới cả chục lao động, làm việc cật lực không có thời gian nghỉ ngơi vì cắt, băm thái cỏ bằng tay. Giờ, anh sắm cả loạt máy móc, chỉ cần một người điều khiển trong vòng 1 tiếng có thể bằng sức 3 người làm cả một ngày. Thế nên, dù trang trại đang nuôi 120 con bò, anh cũng chỉ cần 6 nhân công lao động.

Hay, khi cần, anh có thể lên mạng tìm hiểu kiến thức về nuôi bò, tham khảo những mô hình chăn nuôi điển hình để học hỏi kinh nghiệm.

Kết quả, sau gần 10 năm cắt cỏ nuôi bò sữa ở quê, anh thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình, kể cả khi suốt ngày phải đầu tắt mặt tối với những con bò sữa.

Ngoài ra, anh Huấn cũng bật mí, 4 người em còn lại của anh sau khi tốt nghiệp cao đẳng cũng về quê, quyết định gắn bó với con bò sữa.

Tương tự, anh Nguyễn Nhật Cường, chủ một trang trại 70 con bò sữa tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, cũng chia sẻ, cách đây 5 năm, anh từng là cử nhân Đại học Kinh tế Quốc dân. Ra trường, anh có việc làm ổn định. Thế nhưng, anh vẫn quyết định bỏ việc, lên Mộc Châu nuôi bò vì đam mê.

Anh kể nhờ có cơ hội lên Mộc Châu mấy lần, lần nào anh cũng được vào các trang trại bò sữa xem người ta cắt cỏ, cho bò ăn, vắt sữa bò. Anh xem đến mê mẩn. Từ đó, anh nảy ra ý định bỏ quê lên đây đầu tư nuôi bò sữa.

Ban đầu, anh và gia đình bỏ ra 1,2 tỷ đồng mua lại một trang trại có 17 con cả bò lẫn bê để nuôi. Về sau, đàn bò mẹ đẻ ra bê cái, anh để nuôi tất. 5 năm, đàn bò của anh đã lên đến 70 con.

“Mọi người mới đầu cũng nói ra nói vào chuyện tôi học đại học mà lại chọn đi nuôi bò. Nhưng tôi thấy thích và quan trọng hơn, những kiến thức tôi học có thể vận dụng được vào quá trình chăn nuôi của mình dù không nhiều lắm”, anh Cường chia sẻ.

Anh cũng tiết lộ dù chưa mua được xe hơi như những gia đình khác, song, nhờ đàn bò sữa, mỗi tháng anh có thể đút túi cả 100 triệu đồng tiền lãi sau khi trừ hết chi phí. Một năm, anh đút két tới 1,2 tỷ đồng. 

Theo Bảo Hân

Vietnamnet


Có thể bạn quan tâm

Gà chín cựa bước ra từ truyền thuyết
Gà chín cựa bước ra từ truyền thuyết
Gà chín cựa bước ra từ truyền thuyết

Thứ Hai, 27/01/2014 - 13:42 Hóa ra, đó không chỉ là lời thách đố của Vua Hùng trong truyền thuyết. Giống gà chín cựa vẫn tồn tại và đang được nhân giống lên tới hàng vạn con.

Hà Nam: Nỗ lực duy trì ổn định đàn vật nuôi
Hà Nam: Nỗ lực duy trì ổn định đàn vật nuôi
Hà Nam: Nỗ lực duy trì ổn định đàn vật nuôi

Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh có xu hướng giảm về số lượng, ước khoảng trên 10% so với năm 2022. Cụ thể, tổng đàn lợn còn trên 300 nghìn con; đàn trâu, bò khoảng 30 nghìn con; đàn gia cầm hơn 7 triệu con...

Xử lý heo nái sinh khó
Xử lý heo nái sinh khó
Xử lý heo nái sinh khó

(Người Chăn Nuôi) - Trong trường hợp heo nái đẻ lâu, thời gian đẻ kéo dài nên cho uống nước ấm pha muối, đồng thời dùng tay hỗ trợ động tác đẻ cho heo. Hoặc có thể cho heo con đẻ trước bú để kích thích heo mẹ đẻ. Người...