Hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho bà con tại xã Xuân Phú
(Người Chăn Nuôi) - Cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và đạt hiệu quả kinh tế cao chính là mục tiêu thực hiện mô hình “Cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo”. Chương trình do Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk triển khai trong năm 2018 - 2019, có quy mô 200 con bò cái nền được thụ tinh nhân tạo của 70 hộ dân tại huyện Ea Kar.
Chất lượng
Dự án lựa chọn các hộ tham gia phải dựa trên tiêu chí là số lượng và tiêu chuẩn bò cái nền đáp ứng theo yêu cầu dự án, có kinh nghiệm chăn nuôi, có khả năng học tập kỹ thuật, chuồng trại, điều kiện kinh tế để thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, tuân thủ hướng dẫn và các quy định chung của dự án. Định mức cho 1 con bò cái nền tham gia mô hình gồm: 2 liều tinh đông lạnh, 2 lít Nitơ lỏng, 2 bộ dụng cụ thụ tinh nhân tạo (găng tay, ống gen), 240 kg thức ăn hỗn hợp, trong đó nhà nước hỗ trợ 50% và nông dân đối ứng 50%.
Trong khuôn khổ thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến nông đã chọn tinh bò đực giống Blanc Blue Belge (BBB) để phối cho 2.00 con bò cái nền của các hộ tham gia dự án. Bò cái nền sinh sản phải đủ tiêu chuẩn làm giống để lai tạo, có ngoại hình đẹp, trọng lượng > 220 kg/con. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, hướng dẫn tư vấn kỹ thuật cho bà con các bước chăm sóc nuôi dưỡng đàn bò đúng yêu cầu kỹ thuật. Điều quan trọng trong chăn nuôi bò sinh sản là cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho bò cái trong giai đoạn mang thai và nuôi con. Ngoài các loại thức ăn thô xanh có trong khẩu phần, Trung tâm đã hỗ trợ 24 tấn thức ăn hỗn hợp (120 kg/con) cho 200 con bò cái nền của các hộ tham gia.
Nhân rộng cao
Qua 2 năm triển khai thực hiện, từ 200 con bò cái nền tham gia được thụ tinh nhân tạo có tỷ lệ phối giống có chửa lần 1 đạt 75% đã tạo ra 200 con bê lai có trọng lượng trung bình 28,28 kg/con. Những con bò cái nền được chăn nuôi đúng kỹ thuật nên bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, cho năng suất, chất lượng thịt cao và được nông dân ưa chuộng. Tỷ lệ nuôi sống đến 6 tháng đạt 98,84% và trọng lượng cai sữa lúc 6 tháng tuổi đạt bình quân là 138,61 kg/con. Mặt khác, bò cái sau khi sinh có khả năng hồi phục cơ thể nhanh hơn và động dục sớm hơn so với những con bò cái không tham gia dự án. Chi phí của phương pháp thụ tinh nhân tạo rẻ hơn nhiều so với sử dụng bò đực giống nhảy trực tiếp và được áp dụng rộng rãi ở tất cả các địa bàn.
Theo gia đình bà Vũ Thị Mai (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar): “Từ khi gia đình tôi tham gia dự án này, chúng tôi đã biết chăn nuôi đúng kỹ thuật. Những con bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, nhanh lớn, bê bán được giá cao”.
Mô hình đã tạo ra thế hệ lai có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, cải thiện khả năng di truyền. Hiệu quả kinh tế từ mô hình cao hơn so với các hộ ngoài mô hình là 19,75%. Mỗi con bê lai sau sáu tháng nuôi có giá trị cao hơn bò địa phương khoảng 1.320.525 đồng, có tổng thu nhập tăng thêm là 261.463.950 đồng. Sau 18 tháng, đã nhân rộng thêm 130 bò cái được phối bằng thụ tinh nhân tạo với 60 hộ tại các xã triển khai dự án.
>> Ông Ngô Nhân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk cho biết: Triển khai dự án cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo có sự thực nghiệm bằng thực tế tại địa phương để biết được kết quả. Với sự quan tâm ủng hộ của bà con, chính quyền địa phương cùng nhau thực hiện dự án đã có được những kết quả tốt, từ đó phân tích để chỉ ra cách nuôi con bò lai giống ngoại khác hơn so với những con bò khác không đầu tư đúng kỹ thuật, tạo nên giá trị gia tăng trên 1 con bò trong mô hình.
Cao Phúc - Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Sau đây là các biện pháp tổng hợp và biện pháp kiểm soát cụ thể để kiểm soát bệnh tai xanh trên heo:
Thấy gia đình con gái ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang có thu nhập ổn định nhờ nuôi bồ câu, năm 2023, ông Trương Văn Cư (ấp Long Thạnh, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) quyết định đầu tư, phát triển kinh tế gia đình với...
(Người Chăn Nuôi) - Gà đẻ ra trứng dị dạng là hiện tượng mà người chăn nuôi thường xuyên gặp phải. Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này, trong đó nguyên nhân phổ biến hơn cả vẫn là do Salmonella.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET