Để tăng năng suất trong một lứa để, cần để heo nái tránh bị stress. Ảnh: Pigprogress
(Người Chăn Nuôi) - Muốn tăng năng suất, số lượng của heo con trong một lứa đẻ cần làm tốt rất nhiều yếu tố như: Giống, đặc điểm di truyền, dinh dưỡng, thời gian và điều kiện phối, stress và bệnh tật.
Chọn giống
Có thể dựa trên tiềm năng số heo con/lứa, vì một số giống heo được chọn lọc theo đặc điểm sinh nhiều con. Các giống heo hiện đại hoặc đã được cải tạo, được phát triển và ưa chuộng bởi các nhà sản xuất, có thể cho ra những lứa đẻ 14 - 20 heo con. Thậm chí còn có một số giống lai “siêu nái” có thể sinh ra nhiều con hơn nữa. Một số giống heo phổ biến nhất gồm Yorkshire, Landrace, Berkshire, Hampshire, Duroc không chỉ đạt về số heo con, mà còn có thể tăng trọng một cách nhanh chóng.
Nắm được quá trình sinh sản
Người phối tinh cho heo càng nắm rõ kiến thức chuyên môn về chu kỳ sinh dục của nái, càng gia tăng cơ hội thụ tinh thành công.
Các chuyên gia khuyến cáo, người nuôi cần đợi đến chu kỳ rụng trứng lần thứ 3 của heo trước khi phối giống, khi nái hậu bị đạt ít nhất 7 tháng tuổi (210 ngày). Lần động dục thứ 3 này sẽ “mãnh liệt” hơn 2 lần đầu tiên, tạo cơ hội tốt hơn cho việc phối giống thành công. Đối với những dòng heo truyền thống, sẽ tốt hơn cho nái nếu nó có thời gian để trưởng thành thêm một chút, thường bắt đầu được gieo tinh lần đầu tiên vào lúc 10 - 12 tháng tuổi.
Heo nái quá béo có thể gây ra nhiều vấn đề trong quá trình thụ thai, quá nhiều mỡ ở vùng xương chậu có thể làm cho nái đẻ khó.
Heo nái thường dễ thụ thai 5 ngày sau khi cai sữa. Chu kỳ động dục diễn ra trong vòng 18 - 22 ngày. Nái có thể được giao phối trong vòng 6 - 36 tiếng sau khi động dục, có thể lên đến 72 tiếng.
Thông thường, nái nếu được thụ tinh thành công sẽ không lên giống lại trong vòng 18 - 22 ngày sau khi được phối tinh. Nếu heo lên giống lại sau 23 ngày rất có thể đã bị sảy thai. Cần xem xét bác sĩ thú y lấy mẫu làm xét nghiệm để loại trừ các bệnh sinh sản.
Quản lý việc phối tinh
Cả 2 heo được chọn giao phối đều cần có thể chất tốt, không bị quá béo hay thiếu cân. Chọn thời điểm giao phối phù hợp. Sử dụng một chỗ an toàn để heo giao phối, nơi không trơn trượt và tránh xa những yếu tố gây xao nhãng. Những heo đực nhỏ tuổi, chưa có kinh nghiệm cần được trợ giúp trong lần đầu tiên. Sau khi nái được giao phối, tránh những tác động làm thay đổi đáng kể hoạt động, thói quen hằng ngày của chúng. Việc chăm sóc đúng cách là điều quan trọng để trứng được thụ tinh và phôi có thể bám thành công vào thành tử cung. Nái cần tránh bị stress và đảm bảo được cung cấp khẩu phần giàu dinh dưỡng và chất lượng tốt. Nghiên cứu cho thấy rằng, ánh sáng ban ngày (12 - 16 tiếng/ngày) rất tốt đối với nái mang thai. Vì vậy nếu nái mang thai nuôi nhốt trong nhà trại, hãy nghĩ cách để trong trang trại có thể đón nhiều ánh sáng hơn, như là sơn mái nhà và tường màu trắng để phản xạ ánh sáng. Sau khi phối 10 - 35 ngày tuyệt đối không được chuyển heo, bởi vì đây là thời kỳ hình thành thai nhi, ảnh hưởng đến việc đẻ nhiều hay ít con.
Quản lý dinh dưỡng
Cần tuân theo hướng dẫn của các nhà cung cấp thức ăn cho nái mang thai và nái chờ phối. Cho ăn sau khi phối tới khi sắp đẻ, rồi đổi loại khác. Heo hậu bị có thể ăn thức ăn heo giống từ lúc đạt 100 kg.
Sau khi cai sữa đến trước khi phối phải cung cấp thức ăn đầy đủ. Một ngày sau khi phối, lượng thức ăn cho nái ăn giảm xuống còn 1,8 kg trong vòng 84 ngày đầu. Dựa vào thể trạng của heo mà điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp. Từ ngày thứ 85 đến trước đẻ 1 tuần cho ăn 2,8 - 3 kg/ngày, trước đẻ 1 tuần giảm lượng thức ăn như lúc heo mới phối giống.
Thường xuyên kiểm tra lượng dinh dưỡng và độc tố nấm mốc thức ăn. Luôn luôn cung cấp thức ăn tốt cho nái, bảo quản thức ăn nơi khô mát… Thức ăn phải còn hạn sử dụng.
Trong quá trình nái mang thai phải từ từ điều chỉnh lượng thức ăn để duy trì thể trạng phù hợp. Thông thường, từ 1 - 2 tuần điều chỉnh lượng thức ăn cho từng cá thể nái mang thai. Nếu đến kỳ cuối mang thai, nái quá gầy, lượng thức ăn tăng lên quá nhiều thì sau khi đẻ nái sẽ không ăn được nhiều. Tổng số thức ăn nái ăn chia cho số ngày nuôi con bình quân phải đạt trên 6 kg thì năng suất lứa sau mới gia tăng.
An toàn dịch bệnh
Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh của heo nái và khả năng sống sót của thai. Thông thường, thiệt hại do bệnh chỉ quan sát thấy tại thời điểm heo mẹ sinh con, khi có hiện tượng thai chết, thai gỗ hoặc chỉ một vài heo sơ sinh sống sót. Erysipelas (Bệnh đóng dấu son) và Porcine Parvovirus (PPV) là 2 trong số những bệnh phổ biến nhất và cả 2 đều có thể kiểm soát được nhờ chủng ngừa.
- Thiết kế cơ sở vật chất, chuồng trại phù hợp (chuồng kín, có hàng rào, nhà sát trùng…).
- Hạn chế tối đa người và khách tham quan ra vào trại.
- Thực hiện sát trùng, tắm, thay quần áo và bảo hộ lao động trước khi vào khu vực chăn nuôi.
- Kiểm tra phương tiện vận chuyển ra vào trại.
- Kiểm soát chất lượng nước cho heo uống.
- Thực hiện biện pháp xử lý phân, chất thải, xác chết.
Phạm Hải
Có thể bạn quan tâm
Tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Dương Văn Hùng ở xã Phượng Cách (Quốc Oai), chắc hẳn nhiều người ngỡ ngàng. Khởi nghiệp với 2 con bò, sau vài năm gắn bó với nghề, gia đình ông đã có thu nhập tiền tỷ mỗi...
(Cổng ĐT HND) - Về xã Thanh Hưng huyện Điện Biên (Điện Biên) hỏi đến chị Nguyễn Kim Thắng ở đội 11 được nhiều người biết đến là một người phụ nữ cần cù, đảm đang chịu khó và liều lĩnh. Chính cái sự mạnh dạn, liều lĩnh ấy đã...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET