Dự kiến trong dịp Tết năm Giáp Thìn, gia đình anh Nam sẽ cung ứng ra thị trường hơn 2.000 con gà Đông Tảo thương phẩm và 400 con gà biếu, tặng
Gà Đông Tảo – một giống gà tiến vua, ngon trứ danh đất Hưng Yên, đang được nông dân ở đây chăm sóc theo những cách đặc biệt để bán giá cao dịp Tết…
Có thâm niên nuôi gà Đông Tảo gần 20 năm, anh Lê Quang Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo cho biết: Đông Tảo là một giống gà quý hiếm, thuần chủng của Việt Nam, đem lại giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với các loại gà thông thường khác. Để có những con gà Đông Tảo hình dáng đẹp, thịt ngon, nông dân mất rất nhiều thời gian chăn nuôi.
Mỗi gia đình sẽ có những bí quyết chăm sóc khác nhau. Theo anh Thắng, để nuôi gà Đông Tảo hiệu quả, cần chú trọng đến môi trường nuôi, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hàng ngày. Trước hết, cần có không gian rộng rãi, thoáng đãng và vệ sinh tốt để gà thoải mái di chuyển và phòng tránh bệnh tật. Tiếp đó, cần cung cấp đầy đủ nước sạch và chế độ dinh dưỡng bao gồm thức ăn giàu protein, khoáng chất và vitamin. Đồng thời, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại thường xuyên và theo dõi sự phát triển của gà để điều chỉnh lượng thức ăn, điều kiện sống.
Ngoài biện pháp trên, anh Thắng sẽ cho gà uống nước tỏi, gừng để tăng cường sức đề kháng, chống chọi với dịch bệnh, giá rét. Đặc biệt hơn, trong khoảng 700 con gà anh nuôi, nhiều con còn được “ưu ái” đeo tất chân. “Đối với những con gà có dấu hiệu chân hơi yếu, tôi phải đặc biệt chăm sóc ngay. Ngoài việc cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng, gà còn được đeo tất để giữ ấm cho chân”, anh Thắng nói và cho biết, những con gà Đông Tảo càng to (nuôi trên một năm), chân sẽ càng yếu.“Gà Đông Tảo nhạy cảm với thời tiết, gặp gió rét sẽ co dúm lại, chân tím ngắt và dễ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy,… nên việc chăm sóc sức khỏe cho gà vào mùa đông là rất quan trọng. Tôi phải cải tạo, thiết kế nền chuồng với lớp trấu dày hơn và 2 lớp bạt bọc kín chuồng, đảm bảo không mưa tạt, gió lùa, ẩm ướt. Hệ thống đèn hồng ngoại bật xuyên ngày đêm để giữ nhiệt độ ấm cho chuồng, gà”, anh Thắng chia sẻ.
Không đủ hàng để bán Tết
Tại xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, hộ gia đình anh Chu Văn Nam cũng đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi gà Đông Tảo. Hiện tại, gia đình anh đang nuôi khoảng 7.000 con. Dự kiến trong dịp Tết Giáp Thìn, sẽ cung ứng ra thị trường hơn 2.000 con gà Đông Tảo thương phẩm và 400 con gà biếu, tặng. Anh Nam cho biết, gà Đông Tảo thương phẩm sẽ có thời gian nuôi từ 6 – 9 tháng tuổi, giá từ 150 – 180.000 đồng/kg. Đối với gà Đông Tảo để biếu, thời gian nuôi thường trên một năm tuổi, tuỳ vào hình thức đẹp, độ chân “khủng” sẽ có giá giao động từ 350 – 600.000 đồng/kg.
“Gà biếu là những con đạt tiêu chuẩn về chất lượng về thịt, nặng cân, chân to và cả đẹp nữa. Trung bình mỗi con nặng từ 4 – 6 kg. Bên cạnh đó, có những con lên tới 7 kg, chân to như lon bia”, anh Nam cho hay.
Gà Đông Tảo được “ưu ái” đeo tất chân
Với quy mô trang trại lớn, anh Nam đã áp dụng chăn nuôi gà Đông Tảo theo hướng an toàn sinh học và đạt hiệu quả cao qua nhiều năm. Đây là phương pháp chăn nuôi tiếp cận các dịch vụ, ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để tối ưu hóa quá trình chăn nuôi. Anh Nam chia sẻ: “Tôi nuôi gà theo phương pháp hữu cơ, tạo ra cám vi sinh từ nguyên liệu tự nhiên mà không sử dụng cám công nghiệp. Đồng thời, việc sử dụng đệm lót sinh học và xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học đã giúp giữ cho môi trường trong chuồng luôn sạch sẽ và không ô nhiễm, cũng như hỗ trợ gà sinh trưởng, phát triển tốt”. Khi nói về phương pháp nuôi gà Đông Tảo trong mùa đông, anh Nam tiết lộ: “Áp dụng mô hình chăn nuôi này con gà vốn đã rất khỏe. Nhưng tôi vẫn sử dụng nhiều loại thảo dược như tinh dầu quế, bạc hà… nhằm hỗ trợ sức khỏe cho gà, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể trong thời tiết lạnh”.
Với nhu cầu tiêu thụ cao, gà Đông Tảo không bao giờ sợ ế mà luôn “cháy hàng” trong mỗi dịp Tết đến. Hằng năm, từ cuối tháng 11 Âm lịch đến những ngày cận Tết Nguyên đán, khách hàng từ khắp nơi đổ về “thủ phủ” gà Đông Tảo tại huyện Khoái Châu chọn mua. Sản phẩm gà Đông Tảo cung cấp rộng rãi trên khắp các tỉnh thành trong nước, nhiều nhất ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh…
Gà Đông Tảo là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Khoái Châu tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi ngành hàng, đến nay, huyện có 5 sản phẩm từ gà Đông Tảo được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm thịt gà Đông Tảo đạt hạng 4 sao, các sản phẩm: Giò lụa gà Đông Tảo, giò xào gà Đông Tảo, chả sụn gà Đông Tảo, giò gà Đông Tảo đạt hạng 3 sao.
Nguyễn Hải
Nguồn: Tiền Phong
Có thể bạn quan tâm
Đây là vấn đề được PGS.TS Võ Đỗ Anh Khoa - Trưởng bộ môn chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đặt ra cho ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong điều kiện hạn mặn ngày càng trở nên gay gắt và...
21/07/2014, 10:15 (GMT+7) Trồng trọt công nghệ cao đã khá quen thuộc nhưng chăn nuôi công nghệ cao vẫn là một khái niệm quá mới mẻ với nhiều người.
Trần Quang - Thu Thuỷ •07:06 - 07 tháng 8, 2014 Hiện, cả nước đang có khoảng gần 9 triệu hộ chăn nuôi nông hộ theo phương thức nhỏ lẻ, dẫn tới việc xử lý và quản lý chất thải vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Việc đưa công...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET