Có thêm nhiều thu nhập
Dự án LIFSAP được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn ở các tỉnh, thành phố dự án.
Khi chưa tham gia vào Dự án, những hộ chăn nuôi như gia đình Phạm Văn Kiệm (55 tuổi) ở thôn Cốc, xã Hồng Phong (Chương Mỹ, Hà Nội) luôn đứng trước nỗi lo về dịch bệnh rình rập, đe dọa đàn vật nuôi, nhưng từ khi tham gia vào Dự án, gia đình ông Kiệm đã có thể tự tin chăn nuôi lớn mà không còn lo bị dịch bệnh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Kiệm bảo: “Từ năm 2011 vào dự án, được tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận với các kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào chăn nuôi, gia đình tôi đã tự tin chăn nuôi lớn mà không còn lo đến dịch bệnh đe dọa đàn vật nuôi nữa”.
Với quy mô đàn lợn thịt lên đến gần 20 con, ông Kiệm phấn khởi cho biết, tính theo giá cả thị trường hiện tại là 45.000 đồng/kg lợn hơi, trừ mọi chi phí thức ăn, thuốc thú y…tôi thu lãi ít nhất cũng từ 300.000 – 400.000 đồng/con/tạ lợn hơi. “Ngoài ra, để tận dụng nguồn phân lợn thải ra, tôi xây hầm Biogas gần 10 khối để lấy chất đốt phục vụ đun nấu, sinh hoạt hàng ngày, vừa tiết kiệm được tiền mua ga mà còn đảm bảo được vệ sinh môi trường trong lành” ông Kiệm khoe thêm.
Là hộ cùng xã với gia đình ông Kiệm, gia đình ông Bùi Văn Thuần ở thôn Hạ được coi là một trong những hộ chăn nuôi lớn có tiếng ở xã Hồng Phong, được hưởng lợi từ Dự án LIFSAP, ông Thuần cho biết, những năm trước đây, khi Dự án chưa về đến xã, gia đình tôi chăn nuôi lợn có năm trắng tay vì dịch bệnh hoành hành, nên khi được cán bộ xã tuyên truyền làm Dự án chăn nuôi sạch, tôi đã tham gia vào dự án ngay. “Từ năm 2011 đến nay, chưa năm nào gia đình nhà tôi thu nhập dưới 100 triệu đồng”- ông Thuần hồ hởi chia sẻ.
Ngoài ra, để có thêm thu nhập, ông Thuần tận dụng nguồn khí Biogas từ phân lợn để nấu rượu bán và lấy bã rượu cho lợn ăn. “Mỗi tháng chỉ tính riêng tiền bán rượu tôi cũng thu về hàng chục triệu đồng đấy” ông Thuần khoe thêm.
Xin được vào dự án
Bà Bùi Thị Hòa – Cán bộ dự án LIFSAP phụ trách huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: “Để đảm bảo Dự án triển khai được hiệu quả, chúng tôi luôn phải theo sát quy trình chăn nuôi đến từng hộ dân. Đặc biệt, chúng tôi luôn chú ý đến việc nhắc nhở người dân ghi chép đầy đủ thông tin chăn nuôi từng ngày từ việc cho ăn đến việc dùng thuốc y chữa bệnh cho vật nuôi vào sổ theo dõi”.
Còn bà Nguyễn Thị Thuần – Cán bộ chăn nuôi thuộc Ban quản lý LIFSAP (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: “Dự án được triển khai ở 800 hộ dân tại 4 huyện của Hà Nội là Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín đang cho thấy hiệu quả rất tốt. Đặc biệt là các hộ dân tham gia vào Dự án LIFSAP đã được hưởng lợi và yên tâm chăn nuôi.
Ông Vũ Văn Công – Cán bộ thú y xã Hồng Phong cũng nhận xét: “Không giống như trước đây khi mới triển khai Dự án ở xã, cán bộ xã phải xuống tận thôn, xóm để tuyên tuyền, vận động các hộ dân tham gia, thì đến nay các hộ chưa tham gia vào dự án còn gọi điện, có hộ dân còn viết đơn mang đến tận nhà tôi để xin tham gia vào dự án”.
Khi tham gia vào Dự án Chăn nuôi cạnh tranh và an toàn thực phẩm (LIFSAP), mỗi hộ chăn nuôi không chỉ được tham dự các lớp tập huấn về chăn nuôi, mà còn được Dự án hỗ trợ 5,6 triệu đồng xây chuồng trại, 4 triệu đồng tiền vật tư, thuốc thú ý và 4 triệu đồng tiền xây hầm Bioga xử lý phân thải, đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi. |