Giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công vụ nuôi Ảnh: MF
(Người Chăn Nuôi) - Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên có thể thấy, chúng ta đang lệ thuộc rất nhiều từ bên ngoài, đặc biệt là con giống.
Thiếu giống chất lượng
Dân gian có câu “Tốt nái tốt một ổ, tốt đực tốt cả đàn”. Kinh nghiệm đó đủ cho thấy khâu giống quan trọng như thế nào trong chăn nuôi. Trong kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, giống được coi là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi. Theo số liệu thống kê, Việt Nam vẫn là nước có ngành chăn nuôi manh mún vì hình thức chăn nuôi theo nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn rất phổ biến, chiếm khoảng 70% tổng đàn và cung cấp khoảng 40% sản phẩm cho xã hội. Đặc điểm của chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ là người dân chủ yếu tự thân vận động, con giống tự sản xuất nên chất lượng kém. Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa biết liên kết với nhau, phân công trách nhiệm trong thị trường theo hình tháp giống 4 cấp và 3 cấp tạo ra, thậm chí nhiều hộ còn sản xuất con giống không bảo đảm chất lượng.
Năm 2017, cả nước có khoảng 195 cơ sở sản xuất giống heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP) với tổng đàn nái khoảng 73,5 nghìn con, trong đó có 10 cơ sở với 4,4 nghìn heo nái cụ kỵvà ông bà thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT (chiếm 5,9% đàn GGP và GP của cả nước). Để đáp ứng nhu cầu cao về con giống, việc nhập khẩu là điều tất yếu. Chỉ tính riêng năm 2017, cả nước đã nhập khẩu 2.027 con heo giống cụ kỵ, ông bà. Đối với giống gà lông trắng, hầu như phải nhập của các công ty nước ngoài, trung bình mỗi năm cả nước nhập khoảng 2 triệu con giống.
Các giống ngoại nhập góp phần quan trọng giúp nâng cao năng suất vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi ở nước ta. Tuy nhiên, những năm qua, chúng ta đã nhận được không ít bài học do nhập giống không phù hợp với điều kiện khí hậu và trình độ của người chăn nuôi.
Phát triển giống chủ lực
Hiện nay, chúng ta đã mất đi ít nhất 8 giống vật nuôi nổi tiếng như: Heo ỉ mỡ, heo Phú Khánh, heo Thuộc Nhiêu, gà Sơn Vi... Người dân chỉ có nhìn thấy chúng trong các bức tranh Ðông Hồ hoặc trong một số cuốn sách giáo khoa. Dưới áp lực của việc tăng năng suất, người chăn nuôi hầu như đã bỏ quên các giống trong nước vốn có rất nhiều đặc tính tốt mà chỉ chú trọng khai thác giống nhập từ bên ngoài. Người ta quên hẳn một điều là các giống trong nước tuy năng suất thấp, nhưng mang các gen quý quyết định chất lượng sản phẩm, đồng thời chúng có khả năng chống chịu bệnh tật và tính thích nghi cao với điều kiện chăn thả tự nhiên. Hơn thế nữa, nguồn gen này còn có thể khai thác, phát triển và lai tạo ra các giống thương phẩm trong tương lai và tạo ra hệ thống nông nghiệp bền vững.
Trước thực tế đó, từ những năm 1990 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thực hiện chương trình Bảo tồn nguồn gen vật nuôi. Theo đó, Viện Chăn nuôi đã tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung nguồn gen; Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng các nguồn gen vật nuôi; Nghiên cứu xây dựng, phát triển các khu vực nuôi các loài con quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng… Đồng thời khai thác, phát triển nguồn gen vật nuôi dạng thuần và dạng lai tạo. Qua nhiều năm thực hiện, đến nay, Viện đã triển khai thành công việc bảo tồn hơn 70 nguồn gen vật nuôi bản địa, các giống động vật quý hiếm, nhờ đó mà hơn 40 giống bản địa đã tránh được sự tuyệt chủng và đã được khai thác, phát triển trong sản xuất.
Gần đây, các công nghệ chọn tạo giống hiện đại cũng dần được làm chủ. Nhờ đó đã chọn lọc, lai tạo được hàng chục loại vật nuôi khác nhau với nhiều chủng loại dòng, giống, tổ hợp lai có năng suất và chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu đa dạng của sản xuất. Các giống vật nuôi ngoại nhập cũng cung cấp vật liệu di truyền cho quá trình chọn tạo giống mới, từ đó tạo ra các giống tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay trong việc chưa nhân rộng được các sản phẩm công nghệ lai tạo giống mới là do hộ nông dân chưa biết hết giá trị của việc áp dụng ưu thế lai trong công tác giống và chưa có sự liên kết chuỗi sản xuất. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quản lý giống vật nuôi làm chưa tốt.
Để có giống chất lượng tốt, cấp thiết phải có giải pháp chặt chẽ hơn. Qua đó, cần xây dựng kế hoạch phát triển các giống vật nuôi chủ lực với mục đích khai thác có hiệu quả các giống nhập khẩu có năng suất cao, phù hợp phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp; Đồng thời bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững các giống trong nước phục vụ cho hướng chăn nuôi sinh thái.
>> Đầu tư cho con giống, hay cụ thể là cải tạo giống cho năng suất, chất lượng cao đang là vấn đề mà các địa phương và chủ trang trại quan tâm. Bởi theo so sánh với các nước có ngành chăn nuôi phát triển, năng suất vật nuôi của Việt Nam còn kém xa. Đây cũng là trở ngại để ngành này vươn lên tầm cao mới. Do vậy, “thay máu” trong chăn nuôi là yếu tố được quan tâm hơn cả.
Diệu Châu
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Heo con mới nhập trại có đề kháng yếu, chưa thể thích ứng ngay được với môi trường xung quanh, dễ gặp phải các tình trạng như bị stress, bỏ ăn, ốm yếu, dịch bệnh.
(Người Chăn Nuôi) - Ngành chăn nuôi gia cầm toàn cầu tiếp tục gặp khó khăn từ phía nguồn cung, nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn mạnh, nâng triển vọng toàn ngành lên mức tích cực trong năm 2023.
Cập nhật: 2/9/2014 10:30:04 AM (GMT+7) Cập nhật lúc: 07:15, 09/02/2014 VOV.VN Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm loại vaccine này với con người trước khi chính thức đưa vào sử dụng.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET