Mô hình nuôi vỗ béo bò của gia đình bà Bùi Thị Dung, xóm Đồi 1, xã Kim Bôi (Kim Bôi) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, khuyến khích người dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống.
Trước đây, gia đình ông Bùi Văn Hiểng ở xóm Sào Đông, xã Sào Báy chủ yếu chăn nuôi trâu, bò theo phương pháp truyền thống là chăn thả nên hiệu quả thấp, đàn bò còi cọc do không đủ ăn, nhất là vào mùa Đông. Năm 2021, được xã tuyên truyền, vận động tham gia đề án phát triển đàn trâu, bò, gia đình ông quyết định đầu tư chuồng trại và nuôi 20 con bò. Để có nguồn thức ăn cho bò, ông Hiểng đã trồng trên 7.000 m2 cỏ, trên 4.000 m2 ngô. Ngoài ra, ông chủ động dự trữ khoảng 1 tấn rơm rạ, thân chuối, cây ngô, đủ dùng trong mùa Đông. Nhờ đó, sau 3 tháng, gia đình đã xuất chuồng 10 con bò, thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Hiện nay, gia đình ông nuôi 30 con bò, trong đó có 10 con bò sinh sản. Trung bình mỗi năm gia đình xuất 5 lứa, trừ chi phí thu về trên 300 triệu đồng.
Ông Hiểng chia sẻ: Tham gia đề án, tôi và các hộ chăn nuôi được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ cám làm thức ăn cho trâu, bò và được tham gia tập huấn kỹ thuật chăm sóc, trị bệnh, cách trộn, ủ thức ăn theo tỷ lệ để đạt hiệu quả cao. Đàn bò của gia đình lớn nhanh, không bị bệnh, bán được giá. Ngoài bán bò thương phẩm, gia đình tôi còn bán con giống cho các hộ có nhu cầu.
Để sinh ra những con trâu, bò khỏe mạnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bôi còn hỗ trợ các hộ những con trâu, bò giống tốt để chuyên phối giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Qua đó tạo ra những con bê, nghé có chất lượng, không bị ốm yếu, bệnh tật. Chị Bùi Thị Hòe, xóm Vố, xã Kim Bôi cho biết: Từ khi tham gia đề án, gia đình tôi chủ động được nguồn thức ăn cho đàn trâu, nhất là vào mùa Đông nên trâu lúc nào cũng đủ ăn, nhanh lớn, sinh sản tốt, mang lại nguồn thu cho gia đình.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, huyện Kim Bôi có 1.400 con bò được vỗ béo, tốc độ tăng trưởng đạt 700 – 800 g/con/ngày. Sau 2 – 3 tháng vỗ béo, vật nuôi tăng được 35 – 56 kg/con; 916 con bê, nghé được sinh ra từ phối giống. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức được 27 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản và kỹ thuật vỗ béo đàn bò cho 1.244 hộ tại 17 xã thị trấn. Đề án còn hỗ trợ trồng được 60 ha ngô sinh khối và các loại vật tư ủ chua làm thứ ăn cho trâu sinh sản. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động trồng được 181 ha cỏ phục vụ thức ăn cho chăn nuôi. Qua thực hiện đề án đã góp phần đáng kể trong xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bôi cho biết: Đề án nuôi trâu, bò vỗ béo là một trong những hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Do đó, trong thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng chăn nuôi hàng hóa, hướng đến phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, đảm bảo đầu ra ổn định cho hộ chăn nuôi.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng, sự hưởng ứng tích cực của người dân, thời gian tới, đề án phát triển đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Kim Bôi được kỳ vọng tiếp tục nhân rộng. Qua đó góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển mạnh, bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Bùi Thoa (Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)
Nguồn: Báo Hòa Bình
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Anh Hoàng Trung Tình, hội viên nông dân khu Đồng Hàng, xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ được nhiều người biết đến bởi mô hình chăn nuôi thỏ New Zealand đảm bảo an toàn thực phẩm, làm giàu từ vùng đất quê hương.
Nhằm chuyển giao quy trình kĩ thuật chăn nuôi vịt thương phẩm an toàn sinh học, duy trì và phát triển giống vịt thịt Super M, mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET