Ứng dụng KHCN tạo ra nhiều giống vật nuôi cho năng suất cao - Ảnh: ST
(Người Chăn Nuôi) - Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với chăn nuôi Việt Nam. Trong bối cảnh này, để ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững thì ứng dụng khoa học công nghệ được xem là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Hướng đi tất yếu
Khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thú y có các lĩnh vực nghiên cứu chính là: nghiên cứu công nghệ gen nâng cao chất lượng vật nuôi; nghiên cứu công nghệ tế bào hỗ trợ sinh sản vật nuôi; nghiên cứu công nghệ vi sinh để sản xuất vaccine phục vụ chăn nuôi.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng chăn nuôi bò và gia cầm vẫn tăng trưởng, cùng đó, công tác tái đàn heo được tăng cường. Nhờ có đầu tư khoa học, chọn lọc và cải tiến quy trình chăn nuôi, đến nay, các giống gà nội có năng suất trứng, thịt được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ sống trước đây chỉ đạt 50 - 60% nay lên 90 - 95%. Sản lượng trứng trước đây 60 - 70 quả/mái/năm nay đã nâng lên 75 - 128 quả, tăng 25,4 - 53,8%, giảm tiêu tốn thức ăn chăn nuôi, tăng khối lượng 10 - 15%. Các dòng gà lông màu cải tiến có chất lượng thịt thơm ngon, năng suất trứng và thịt gà cao hơn gà lông màu truyền thống từ 30 - 35%, đã chiếm lĩnh hầu hết các thị trường cả nước (Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Đồng Nai…). Có được những kết quả trên là nhờ sự cố gắng, nỗ lực lớn của ngành, trong đó, không thể phủ nhận vai trò quan trọng, then chốt của khoa học công nghệ.
Nhiều đề tài nghiên cứu
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, giai đoạn 2013 - 2018 trong lĩnh vực chăn nuôi, đã có 41 tiến bộ kỹ thuật được công nhận, trong đó có 5 giống heo mới, 12 dòng gà, 6 dòng ngan, 8 dòng vịt mới, 4 tổ hợp lai đà điểu, 5 tổ hợp bò lai hướng thịt và một số mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm bền vững, trồng cỏ và chế biến thức ăn chăn nuôi đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất với quy mô lớn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có 11 sản phẩm đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trao tặng “Giải thưởng Bông lúa vàng” năm 2012 và 2015. Các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ được công nghệ chọn tạo giống heo. Chọn lọc thành công dòng heo nái có số con cai sữa đạt 26/con/nái/năm (tăng 10 con so với trước đây). Chọn tạo được giống heo thịt thương phẩm tăng trọng nhanh (>750 g/ngày), tiêu tốn thức ăn thấp (dưới 2,5 kg thức ăn/tăng khối lượng). Đã chọn tạo thành công các giống vịt chuyên thịt, chuyên trứng có năng suất chất lượng cao. Hiện nay, các giống vịt cao sản được chọn tạo và cung cấp tại các tỉnh ĐBSH và ĐBSCL chiếm 65% thị phần…
Trong lĩnh vực Thú y, đã có 6 tiến bộ kỹ thuật được Bộ công nhận. Nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất 7 loại vaccine. Đã nghiên cứu thành công và chuyển giao vào sản xuất các chủng virus để sản xuất vaccine phòng bệnh cúm gia cầm và bệnh tai xanh. Đối với vaccine phòng bệnh cúm gia cầm đã chọn được chủng virus cúm A/DK/VN/Qb7412 (H5N1), phân lập từ vịt bệnh tại Việt Nam để phát triển chủng gốc chế tạo vaccine vô hoạt nhũ dầu theo phương pháp truyền thống. Đã xây dựng được danh mục giống virus gia cầm…
Cần có đột phá
Thời gian tới, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hội về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, môi trường, tăng cường công nghệ chế biến sâu. Cùng với đó là thách thức ngày càng nhiều, khó lường, đòi hỏi cần có sự đột phá về khoa học công nghệ trong chăn nuôi thú y, có cơ chế chính sách linh hoạt để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này. Chính vì những lí do đó, đầu tư cho nghiên cứu khoa học được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, và Việt Nam cũng không loại trừ. Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kết quả từ các nghiên cứu là cơ sở quan trọng, có tính quyết định trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để thay đổi diện mạo và phát triển bền vững ngành Chăn nuôi, Thú y.
Để đạt được các mục tiêu đó cần một chiến lược giải pháp tổng thể, như: Đổi mới và hoàn thiện chủ trương, thể chế, chính sách; Rà soát thực hiện quy hoạch chăn nuôi trong phạm vi toàn quốc; Tổ chức hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị; Đột phá thu hút đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi; Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp… Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cần tiếp cận theo hướng mới đó là công nghệ số, công nghệ blockchain, nghiên cứu các mô hình sản xuất chăn nuôi hiện đại, quản lý chuỗi, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo truy xuất nguồn gốc…
>> Theo bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), hiện nay, ngành chăn nuôi, thú y đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, khủng hoảng giá đầu vào, đầu ra, biến đổi khí hậu, vấn đề an toàn thực phẩm… Kết quả từ các nghiên cứu là cơ sở quan trọng, có tính quyết định trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp để thay đổi diện mạo và phát triển bền vững ngành chăn nuôi, thú y.
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Với người nông dân, việc tìm ra một nghề để sản xuất đã khó, nhưng để bám trụ và phát triển nghề đó thì lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng bằng sự cần cù và quyết tâm vượt khó, gia đình anh chị Thắng Tạo, thôn Sơn Kịch, xã...
Người dân thôn Đồng Dằm, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh ai cũng biết đến mô hình chăn nuôi gà cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm của người thanh niên người dân tộc Dao Chìu Quý Nguyên. Làm giàu cho gia đình, nhiệt tình...
(Người Chăn Nuôi) - Trang trại thông minh, một khái niệm mới mẻ tạo sức hút lớn trong ngành chăn nuôi gần đây, đang nhanh chóng trở nên phổ biến và là một trong những mắt xích quan trọng quyết định thành công của một trại nuôi.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET