Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Kinh nghiệm nuôi dê sinh sản

Cập nhật: 30/11/2019


Các giống dê lai tại Việt Nam có khả năng sinh sản tốt Ảnh: ST

(Người Chăn Nuôi) - Dê là gia súc nhai lại có khả năng đề kháng cao, tốc độ tăng đàn nhanh. Nghề nuôi dê sinh sản đã và đang mang lại thu nhập ổn định giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Chọn giống

Dê đực: Lựa chọn những con khỏe mạnh, đầu ngắn, tai rộng, cổ to, tứ chi khỏe mạnh. Hai tinh hoàn nhìn to, phát triển đều đặn. Giống phải có nguồn gốc và lý lịch rõ ràng, đời bố mẹ, ông bà đều cho năng suất cao, sinh sản tốt. Nên chọn giống đực phàm ăn, ăn khỏe. Chỉ lựa chọn những con dê đực mà sau 6 tháng đạt trên 15 kg.

Dê cái: Chọn con có lý lịch rõ ràng, đời bố mẹ có khả năng sinh sản tốt, năng suất cao, con đều khỏe mạnh, không bị tật, thấp còi. Dê cái làm giống có đầu rộng, hơi dài, trán dô, ngực nở sâu và dài, lưng phẳng, bụng to vừa phải da mềm, lông mịn. Thân hình cân đối, tứ chi phát triển, thẳng, dáng đứng nghiêm và cứng cáp, móng chân gọn. Chọn con có bầu vú nở rộng, gọn gàng với phần bụng, nhìn thấy nhiều tĩnh mạch nổi rõ. Lông ở phần bầu vú mịn, sờ tay vào sẽ thấy mềm. Hai núm vú dài, đưa về phía trước. Bộ phận sinh dục cân đối, nở nang. Cần chọn dê cái có tỷ lệ thụ thai hàng năm phải đạt trên 80% trở lên, khoảng cách lứa đẻ đều đặn.

Yêu cầu chuồng trại

Chuồng trại cần được xây dựng ở những nơi cao ráo, thoáng mát, đảm bảo ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

Vật liệu làm chuồng đơn giản, bằng gỗ, tre, nứa, lá… Sàn chuồng cao hơn mặt đất khoảng 40 - 60 cm. Các thanh lót chuồng phải được làm đều nhẵn và thẳng, có khe hở chỉ rộng khoảng 1,2 - 1,5 cm bảo đảm cho phân và nước thải dê lọt xuống. Chuồng nên có ngăn riêng cho dê đực giống, dê hậu bị, dê chửa gần đẻ, dê mẹ và dê con dưới 3 tuần tuổi và các loại dê khác. Có sân chơi cao ráo, không đọng nước. Diện tích chuồng nuôi phải bảo đảm: Dê trên 6 tháng tuổi: 0,7 - 1 m2/con; Dê dưới 6 tháng tuổi: 0,3 - 0,5 m2/con.

Chăm sóc dê hậu bị

Cho ăn đầy đủ thức ăn thô xanh (2 - 5 kg/ngày) bằng 75 - 80% VCK/ngày, phần còn lại bổ sung bằng thức ăn tinh và phụ phẩm nông nghiệp. Đối với thức ăn tinh, cần hạn chế sử dụng các loại thức ăn giàu năng lượng như ngô, sắn, gạo… để tránh cho dê hậu bị nhanh béo mà vẫn bảo đảm cho dê sinh trưởng, phát triển bình thường.

Cần cung cấp đầy đủ nước sạch cho dê. Mỗi ngày cho dê vận động 3 - 4 giờ. Hàng ngày làm vệ sinh chuồng nuôi, sân chơi, máng ăn, máng uống, đồng thời cần luôn bảo đảm chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ.

Phối giống

Hiện, trên thực tế, cần bỏ qua 2 lần động dục đầu tiên của dê cái sau đó mới phối giống. Đối với dê cái đang sinh sản, thường sau khi đẻ 1,5 - 2 tháng dê đã phục hồi sức khỏe mới cho phối giống lại.

Khi động dục, dê có các biểu hiện như âm hộ hơi sưng đỏ hồng, chảy dịch nhờn, kêu la bỏ ăn, nhảy lên lưng con khác, nếu đang tiết sữa thì giảm sữa đột ngột. Khoảng 18 - 36 giờ sau khi phát hiện thì cho giao phối là thích hợp. Chu kỳ động dục của dê là 19 - 21 ngày, động dục kéo dài 1 - 3 ngày. Nên phối giống 2 lần cách nhau 12 giờ.

Tuyệt đối không cho dê đực giống phối với dê cái có quan hệ là anh chị em ruột hoặc là con cháu của dê đực giống đó.

Phải có sổ theo dõi phối giống để ghi chép ngày phối, kết quả phối giống và dự định ngày dê đẻ để đỡ đẻ cho dê.

Xử lý dê đẻ

Sau khi phối giống theo dõi nếu đến chu kỳ động dục mà không thấy dê động dục trở lại là dê đã thụ thai. Thời gian mang thai trung bình là 150 ngày (145 - 157 ngày). Đối với dê mang thai lần đầu, cần xoa bóp bầu vú để kích thích tuyến sữa phát triển và tập cho dê quen dần việc vắt sữa sau này. Không chăn thả xa chuồng và tránh dồn đuổi, đánh đập. Khi cạn sữa cần giảm từ từ số lần vắt và số ngày vắt sữa.

Dê sắp đẻ nên nhốt riêng từng con ở chuồng đã được tiêu độc sát trùng. Trước khi đẻ 5 - 10 ngày cần giảm bớt thức ăn tinh ở những dê cái có năng suất sữa cao để tránh viêm vú, sốt sữa. Chuẩn bị cũi, lót ổ nằm cho dê con và các dụng cụ như cồn iốt, giẻ lau, kéo, chỉ cắt rốn.

Dê sắp đẻ có biểu hiện khó chịu, đi đái luôn, bầu vú và âm hộ sưng đỏ, bụng tụt, bầu vú căng. Âm hộ có dịch đặc chảy và xuất hiện bọc nước ối là dê sắp đẻ.

Trường hợp dê khó đẻ, người nuôi cần hỗ trợ bằng cách đưa tay đã sát trùng vào xoay thai theo chiều thuận và phụ kéo theo nhịp rặn của dê mẹ.

Dê mẹ đẻ xong cho uống nước ấm có pha muối 0,5% hoặc nước đường 5 - 10%. Hàng ngày cho dê mẹ ăn thức ăn thô, thức ăn tinh chất lượng tốt theo khẩu phần.

Nuôi dưỡng dê con

Dê con dưới 10 ngày tuổi: Ngay sau khi sinh, dê cần được lau khô, cắt rốn và cho bú sữa mẹ lần đầu.

Dê con từ 11 - 45 ngày tuổi: Cho dê bú sữa mẹ với lượng khoảng dưới 1 lít/ngày, cho bú ban ngày và tách mẹ vào ban đêm. Giai đoạn này cho dê con theo mẹ là đủ sữa chứ không cần bổ sung sữa ngoài. Ngoài ra, lúc này dê con đã có thể ăn một số loại thức ăn dễ tiêu như: chuối chín, bột đậu nành và một số loại cỏ non sạch nên người nuôi cũng có thể cho ăn kết hợp.

46 ngày tuổi đến trưởng thành: Có thể cho dê ăn kèm thức ăn tinh từ 50 - 100 g và tăng dần lên theo sự phát triển của dê. Ở giai đoạn này, thức ăn chủ yếu cho dê là thức ăn tinh và các loại rau củ quả, ngũ cốc...

Sau 3 tháng, dê phát triển mạnh cần cho chăn thả cùng bố mẹ, sử dụng đa dạng các loại thức ăn thô, kết hợp lẫn thức ăn tinh.

Nguyễn An


Có thể bạn quan tâm

Tăng cường phòng chống dịch tai xanh
Tăng cường phòng chống dịch tai xanh
Tăng cường phòng chống dịch tai xanh

Cập nhật lúc 17:34 26/10/2013 KTĐT - Ngày 26/10, trong khuôn khổ Hội chợ Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản Hà Nội lần thứ nhất năm 2013 đã diễn ra hội thảo “Một số biện pháp phòng chống dịch tai xanh trên đàn lợn” với sự tham gia của...

Phòng và điều trị thương hàn ở chim cút
Phòng và điều trị thương hàn ở chim cút
Phòng và điều trị thương hàn ở chim cút

(Người Chăn Nuôi) - Bệnh phó thương hàn ở chim cút (Salmonellosis) là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Sallmonella gây ra, chim ở mọi lứa tuổi đều cảm nhiễm với bệnh. Đây cũng là bệnh mà người nuôi hay phải đối mặt.

Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc
Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc
Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc

(Người Chăn Nuôi) - Ngày 6/9/2022, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3368/QĐ-BNN-CN ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với vật nuôi giống gốc.