Cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của bò
(Người Chăn Nuôi) - Để chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả cao, người nuôi cần trang bị đầy đủ kiến thức về thiết kế chuồng trại, dinh dưỡng, chế độ chăm sóc trong từng giai đoạn.
Chọn giống
Không nên chọn giống bò nội còn gọi là bò địa phương. Nên chọn giống bò chuyên thịt cho tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ thịt cao và chất lượng thịt ngon.
Chọn bò có nguồn gốc, lý lịch rõ ràng, khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh nội ngoại ký sinh trùng.
Chọn những con có thể chất khỏe mạnh và có những đặc điểm cơ bản của giống. Có ngoại hình tốt như thân hình cân đối, đầu cổ linh hoạt; Mặt ngắn, trán rộng, mắt sáng, mõm bẹ, bộ răng còn tốt; Mông nở; Đuôi dài, gốc đuôi to; Yếm rộng, chân thẳng, bước đi vững chãi, chắc chắn, móng khít; Lông óng mượt, da mềm, bao da rốn phát triển.
Chuồng trại
Tùy theo điều kiện, quy mô, chuồng trại nuôi bò cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ. Chuồng nên xây theo hướng Đông Nam hoặc Nam để đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Chuồng cần xây dựng cách xa nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Diện tích chuồng bình quân 3 m2/con, giai đoạn 6 - 12 tháng tuổi; 13 - 24 tháng, bình quân 4 m2/con; Có thể ngăn thành các ô rộng để nuôi nhốt 5 - 7 con cùng 1 chuồng hoặc dùng ống kẽm hàng cũi để nuôi nhốt riêng thành từng con. Nền chuồng phải chắc chắn (lát gạch hay bê tông), dễ dọn vệ sinh; Có độ dốc 2 - 3% về phía rãnh thoát.
- Phải có tường chuồng, hàng rào bao quanh khu vực nuôi.
- Có máng ăn, máng uống đặt theo chiều dài hành lang phân phối thức ăn.
- Có rãnh thoát nước, phân, nước tiểu và bể chứa.
- Có mái che chuồng với độ cao và độ dốc vừa phải. Có hệ thống cây xanh chống nóng cho bò trong mùa hè.
- Những vùng chăn nuôi thâm canh cao cần trang bị hệ thống quạt, hệ thống bơm nước để tắm cho bò.
- Trong trường hợp người nuôi muốn quy hoạch thành mô hình trang trại với quy mô lớn, cần xây dựng thành nhiều khu khác nhau như khu vực nuôi nhốt, nhà kho, nhà ở, văn phòng với khoảng cách tối ưu cho mỗi khu 300 - 500 m.
Giai đoạn 1 - 5 tháng tuổi
Từ khi bê sơ sinh đến 30 ngày tuổi: Cho bê bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Nuôi bê cạnh bò mẹ, tại chuồng, không chăn thả (bê bú sữa mẹ); Luôn giữ ấm, tránh gió lùa, cho bê nằm chỗ khô sạch.
Từ tháng thứ 2 - 3: Tập cho bê ăn cỏ xanh phơi khô được nắng. Cỏ tươi rửa sạch để ráo, cho bê ăn thức ăn xanh và thức ăn tinh (thức ăn tinh 0,6 - 0,7 kg/con/ngày đảm bảo mức dinh dưỡng 100 g protein, năng lượng trao đổi 2.800 Kcal/kg.
Từ tháng thứ 4 - 5: Lượng thức ăn thô khoảng 5 - 7 kg cỏ/con/ngày, thức ăn tinh 0,6 - 0,8 kg/con/ngày; Tập cho bê ăn thêm ít thức ăn củ quả như khoai lang, bí đỏ… Trời nắng ấm tập cho bê vận động tự do dưới ánh nắng để bê có đủ Vitamin D3, tạo cho bộ xương cứng cáp.
Giai đoạn 6 - 20 tháng tuổi
Khi bê được 6 tháng tuổi tiến hành cai sữa và cho bê ăn thức ăn thô xanh với lượng 10 kg/con/ngày; Bê 7 - 12 tháng tuổi cần 15 kg/con/ngày; Bê 13 - 20 tháng tuổi cần 30 kg/con/ngày, lượng thức ăn tinh 0,8 - 1 kg/con/ngày (đảm bảo mức dinh dưỡng tối thiểu 100 g protein và năng lượng trao đổi 2.800 Kcal/kg). Lưu ý: Nếu bê ở giai đoạn này nuôi nhốt cần cho bê vận động 2 - 4 giờ/ngày.
Giai đoạn vỗ béo
Cung cấp thức ăn tinh 1,5 - 2,5 kg/con/ngày (đáp ứng mức protein tối thiểu 100 g và năng lượng 2.800 Kcal/kg thức ăn), kết hợp cho bò ăn thức ăn thô xanh 30 kg/con/ngày.
Cho bò uống nước đầy đủ 50 - 60 lít/con/ngày. Luôn có nước sạch trong máng uống trong thời gian vỗ béo. Nên bổ sung 20 - 30 g muối ăn vào nước uống cho bò mỗi ngày.
Thường xuyên tắm chải để kích thích bò ăn uống. Mùa hè tắm 2 lần/ngày. Mùa đông chải khô 2 lần/tuần bằng bàn chải. Kết hợp tắm nắng 2 giờ/ngày, giảm nhiệt độ và cường độ ánh sáng chuồng nuôi. Trong thời gian vỗ béo bò cần nuôi nhốt hoàn toàn, giảm vận động, tăng cường cho bò ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, năng lượng.
Kiểm tra tăng trọng của bò bằng cách đo hoặc cân. Khi bò đã béo đúng tiêu chuẩn, quan sát vùng võng (vùng lưng) đã béo thì xuất bán. Cần có sổ ghi chép về tình trạng sức khỏe và tiêu tốn thức ăn của bò để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Phòng bệnh
Thường xuyên theo dõi sức khỏe của bò để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhằm đưa ra những biện pháp trị bệnh kịp thời.
Thức ăn, nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, đạt yêu cầu.
Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Máng ăn, máng uống phải được dọn sạch trước khi cho ăn, cho uống hàng ngày. Chất thải rắn như phân, rác, thức ăn thừa... phải được dọn ngày 2 - 3 lần ngay trước lúc cho ăn và phải chuyển ra đúng nơi quy định để xử lý.
Định kỳ 2 lần/tháng phun sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi bằng Benkocid, Cloramin 3 - 5%. Tiêu diệt côn trùng (chuột, ruồi, muỗi, ve…) là những vật trung gian truyền bệnh. Sau mỗi đợt nuôi dùng nước vôi 20% quét toàn bộ khu vực chuồng nuôi.
Tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vaccine. Đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng tiêm lần 1 vào tháng 2 - 3 hàng năm, sau 6 tháng tiêm nhắc lại lần 2. Định kỳ tẩy giun đũa cho bê vào tháng thứ nhất, tháng thứ 3 và tháng thứ 9 (bằng Piperazin với liều 2 - 3 g/10 kg trọng lượng).
Ngoài ra nếu bò hoặc bê bị bệnh cần phải cách ly triệt để, điều trị dứt điểm khi khỏi hẳn mới cho nhập đàn nuôi.
Diệu Châu
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh do Reovirus gây ra đang trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho ngành chăn nuôi với mức độ nghiêm trọng và đối tượng cảm nhiễm đa dạng.
TP - Tại “thủ phủ vải thiều” Bắc Giang nhưng anh nông dân người dân tộc Sán Dìu Nguyễn Văn Báo lại chọn cách làm giàu khác biệt từ nuôi lợn theo phương pháp mới và thả cá, trồng các loại cây đặc sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp…...
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh hô hấp phức hợp trên heo hay còn gọi tắt là PRDC gây ra những thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Kiểm soát và chẩn đoán sớm cũng như xác định được chính xác bệnh, góp vai trò quan trọng trong việc quản lý...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET