(Mard-29/11/2011): Trong khi nhiều nông dân ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) bỏ chuồng vì cho rằng chăn nuôi lợn không hiệu quả, thì trang trại nuôi lợn hướng nạc khép kín của gia đình anh Nguyễn Văn Báo, dân tộc Sán Dìu ở thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn lại không ngừng được mở rộng. Với quy mô trại lợn có tổng trị giá trên 3 tỷ đồng, trung bình mỗi năm anh Báo thu lãi từ 300 – 500 triệu đồng…
Những ai có dịp đến thăm trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy trình khép kín của gia đình anh Nguyễn Văn Báo đều phải trầm trồ khen ngợi, bởi quy mô trang trại to đẹp và được xây dựng, quản lý một cách khoa học. Khu chuồng lợn được xây dựng cạnh hồ nước rộng hơn 4 ha, không khí quanh trong lành, yên tĩnh và được chia làm ba khu riêng biệt gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản rộng hơn 1000 m2 (trong đó có chuồng dành riêng cho lợn đẻ); khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị rộng 700 m2 và khu chuồng chăn nuôi lợn thịt thương phẩm rộng hơn 500 m2. Hiện gia đình anh Báo đang chăn nuôi 70 con lợn nái ngoại với các giống như lai F2, F3, Siêu nạc và thường xuyên có từ 200 – 300 con lợn thương phẩm. Với quy trình chăn nuôi lợn khép kín, chủ động hoàn toàn con giống (lợn nái sinh sản ra bao nhiêu con, anh Báo giữ lại nuôi hết) và có khu vực chuồng trại chăn nuôi nằm cách xa khu dân cư nên công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn được thực hiện khá hiệu quả. Trong ba năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình anh Báo xuất bán từ 50 – 70 tấn lợn thương phẩm và thu về 300 – 500 triệu đồng tiền lãi.
Theo anh Báo, để lợn nái sinh sản hiệu quả, thì khu chuồng nuôi phải đặt ở nơi yên tĩnh (tránh lợn giật mình gây động thai), những con lợn giống đực luôn được nhốt ở đầu chuồng – nơi đầu gió để toả mùi kích thích lợn nái nhanh động dục. Khi lợn nái có bầu sắp đẻ anh Báo đưa sang khu chuồng riêng để tiện cho việc đỡ đẻ và úm lợn con. Lợn con vừa đẻ ra được cắt lanh ngay và sau một ngày thì dùng dao sắc hơ lửa cắt đuôi. Việc cắt đuôi nhằm giúp cho lợn thương phẩm sau này đỡ vận động tiêu hao kalo và mông lợn phát triển đều to đều hơn, tăng hàm lượng thịt nạc. Hơn nữa riêng việc cắt đuôi mỗi con lợn chăn nuôi trong ba tháng đã tiết kiệm được 6 kg cám/con. Để duy trì việc chăn nuôi đàn lợn này hiệu quả, gia đình anh Báo đang phải thuê 7 công nhân làm việc thường xuyên, với mức thù lao 2,5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể tiền cơm nuôi và tư trang phục vụ cho lao động tại trang trại.
Nếu như năm 2004 trở về trước, gia đình anh Báo cũng giống như những các hộ dân khác trong xã Quý Sơn chỉ quan tâm đầu tư vào kinh tế vườn đồi, trồng cây ăn quả và chủ yếu là vải thiều, thế nhưng thời điểm đó, quả vải thiều rớt giá, làm cho thu nhập của người trồng vải chẳng được là bao. Trong khi đó, giá các các mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không ngừng leo thang. Bởi vậy cuối năm 2004, anh Báo đã nghĩ cần phải đầu tư chăn nuôi thêm đàn lợn để có nguồn phân bón phục vụ chăm sóc cây ăn quả, nhằm giảm gánh nặng chi phí chăm sóc thì giá quả vải có xuống thấp nhưng vẫn còn được.
Tính vậy, nên ban đầu anh Báo cũng chỉ đầu tư chăn nuôi 30 – 40 con lợn cỏ và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Lứa lợn đầu tiên cho thấy: Việc chăn nuôi lợn không chỉ có thêm nguồn phân bón phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp mà mỗi con lợn khi xuất chuồng, hạch toán ra đã lãi hơn 100 nghìn đồng. Như vậy, chỉ chăn nuôi với số lợn trên, mỗi năm xuất chuồng được ba lứa cũng thu lãi được khoảng 10 triệu đồng, hơn cả lãi của vườn vải thiều mà việc chăn nuôi lại không vất vả lắm. Bởi vậy, anh Báo đã quyết tâm mở rộng mô hình, mỗi năm chuồng trại lại được đầu tư với quy mô lớn hơn. Và giống lợn cỏ (lợn nái móng cái) chăn nuôi truyền thống cũng được gia đình anh Báo chuyển dần sang các giống siêu nạc.
Đến năm 2006, anh Báo đã đấu thầu hồ đập nước rộng hơn 4 ha của xã ở gần nhà và tiến hành cải tạo lại, rồi thực hiện việc chuyển chuồng trại chăn nuôi lợn từ nhà ra đó. Với lòng ham mê chăn nuôi lợn và càng chăn nhiều càng thấy thắng lớn nên đã khuyến khích anh Báo mạnh dạn đầu tư. Đến nay, tính riêng việc đầu tư cải tạo hồ đập và xây dựng chuồng trại mới đã tốn mất gần hai tỷ đồng, nếu tính trị giá cả đàn lợn hiện có, trại lợn hướng nạc của gia đình anh Báo đã có tổng giá trị trên ba tỷ đồng. Từ trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn và khoa học như vậy, trong ba năm gần đây, gia đình anh Báo đã thu lãi bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt năm 2011, nhờ giá cả lợn thương phẩm tăng cao nên việc chăn nuôi rất hiệu quả, anh Báo dự tính sẽ thu lãi khoảng nửa tỷ đồng. Cùng đó, anh Báo còn hợp đồng với Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Bắc Ninh, làm đại lý cấp I vừa nhập cám về phục vụ chăn nuôi lợn của gia đình, vừa bán cho các hộ dân trong xã. Ngoài ra, anh Báo còn tận dụng 4 ha hồ nước đầu tư chăn nuôi hàng trăm con vịt siêu trứng và nuôi trồng thủy sản bằng các giống cá như: mè, trôi, chép, cá riêu hồng, cá chim trắng… . Trung bình mỗi năm sản lượng cá khai thác được từ hồ đập cũng đạt khoảng 20 tấn.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Báo còn là người có công trong việc gây dựng phong trào chăn nuôi lợn hiệu quả ở địa phương. Những năm trước, khi chuồng trại chăn nuôi lợn của gia đình còn chưa được xây dựng nhiều, anh Báo đã vận động nhiều hộ dân trong thôn cùng xây dựng chuồng để chăn nuôi lợn. Với phương châm các hộ dân đầu tư xây dựng chuồng trại, anh báo đầu tư lợn giống và thức ăn chăn nuôi. Việc chăn nuôi thua thiệt đâu anh Báo chịu hết, chỉ biết khi xuất chuồng các hộ dân sẽ được nhận 1,2 nghìn đồng/kg lợn tăng trưởng. Sau khi nhận thấy việc chăn nuôi lợn hiệu quả, chỉ sau 2 – 3 năm làm chung, gần chục hộ dân đều xin tách riêng để chăn nuôi độc lập. Từ đó, phong trào chăn nuôi lợn thương phẩm với quy mô vừa và nhỏ ở xã Quý Sơn đã phát triển khá mạnh. Giờ đây nhiều hộ dân đã có nguồn thu lãi từ 100 – 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn hướng nạc. Tâm sự thêm về phương hướng chăn nuôi của gia đình mình, anh Báo chia sẻ: Sang năm tới, gia đình tôi sẽ đầu tư thêm khoảng 500 triệu đồng để xây dựng thêm chuồng trại nhằm nâng tổng số lợn nái của gia đình lên 100 con và chuồng nuôi lợn thương phẩm sẽ đạt 500 con.
Thực tế hiện nay, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Báo đã có quy mô khoa học và lớn nhất trong hộ chăn nuôi lợn ở Lục Ngạn. Việc thực hiện thành công trang trại chăn nuôi lợn hướng nạc theo quy trình khép kín này đáng để cho nhiều hộ dân học tập và làm theo./.
Nắm bắt được khoa học kỹ thuật cộng thêm mạnh dạn đầu tư với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, nhiều nông dân của xã Nam Dong, huyện Cư Jút, Đắk Nông đã trở thành tỷ phú.