Nắm bắt được khoa học kỹ thuật cộng thêm mạnh dạn đầu tư với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, nhiều nông dân của xã Nam Dong, huyện Cư Jút, Đắk Nông đã trở thành tỷ phú.
Những năm gần đây, nhận thấy được những hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình trang trại tập trung và nắm bắt được đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, những người nông dân vốn đã quen với chăn nuôi nhỏ lẻ hun đúc ước muốn làm giàu.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều trang trại trên địa bàn xã Nam Dong cho thu nhập cao
Bắt đầu chăn nuôi heo thử nghiệm nhỏ lẻ, do áp dụng phương thức nuôi theo kiểu truyền thống, không nắm bắt được kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mang lại cho hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dương ở thôn 12, chưa cao. Không chịu thất bại, anh tự nghiên cứu, học hỏi qua sách báo, tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do địa phương tổ chức, qua đó nắm bắt kiến thức, kỹ thuật vận dụng vào chăm sóc đàn heo của gia đình. Kết quả đàn heo không chỉ phát triển tốt mà còn ít bệnh tật.
Sau một thời gian tìm hiểu tỉ mẩn, áp dụng đúng quy trình các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiện mỗi năm gia đình anh luôn duy trì được đàn heo thịt trên 200 con và 30 con heo nái. Không dừng lại ở việc chăn nuôi heo, gia đình anh còn tổ chức sản xuất theo hướng đa canh và bền vững.
Sau khi tìm hiểu thị trường nông sản, anh đã mạnh dạn bố trí 5 ha đất thành các khu trồng cà phê, cao su, mía và chuồng trại chăn nuôi heo kết hợp với đào ao thả cá. Với 2,5 ha cà phê, 2 ha cao su, 1 ha mía và 0,4 ha mặt nước nuôi cá, theo ước tính, trừ tất cả mọi chi phí đầu tư sản xuất, gia đình anh có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nói về trang trại của gia đình mình, anh Dương cho biết, việc kết hợp đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi trên cùng một trang trại mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình, hạn chế thấp nhất những rủi ro do thời tiết và những biến động của thị trường gây nên. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, tạo việc làm cho 6 lao động địa phương.
Trang trại nuôi gà siêu trứng của anh Nguyễn Đình Dần ở thôn 14 cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Được biết, trước đây vì chưa có kinh nghiệm, anh chỉ dám nuôi 1 lứa gà/năm, với mục đích vừa làm, vừa học để xem hiệu quả ra sao rồi mới đầu tư tiếp. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh tốt nên chỉ sau 6 tháng, đàn gà phát triển mạnh và cho thu nhập cao từ việc lấy trứng hàng ngày.
Mô hình kinh tế trang trại đang mang lại nhiều triển vọng cho bà con
Nhận thấy việc chăn nuôi gà có lợi nhuận khá, anh đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng, tăng đàn hơn 3.000 con. Để không ô nhiễm môi trường, anh còn tận dụng lượng phân gà làm phân bón cà phê và tiêu, nên vườn rẫy luôn xanh tốt. Ngoài ra, tận dụng mặt nước, anh còn đầu tư đào ao thả cá, với diện tích hơn 6 sào, nuôi đầy đủ các loại cá như cá lăng, cá trắm, cá mè...
Hiện tổng thu nhập từ trang trại tổng hợp của gia đình anh Dần xấp xỉ trên dưới 1 tỷ đồng. Kinh tế gia đình phát triển bền vững, gia đình sung túc, các con anh được đến trường học đầy đủ.
Theo UBND xã Nam Dong thì toàn xã hiện có 12 mô hình phát triển theo hướng trang trại làm ăn có hiệu quả, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng và nhiều trang trại cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm, bên cạnh đó, còn giải quyết được công ăn việc làm cho trên 50 lao động cho địa phương.
Đức Cường
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Hệ thống thông minh là một cách tiếp cận sáng tạo dựa trên việc sử dụng tích hợp và chuyên sâu những tiến bộ gần đây để theo dõi, kiểm soát tự động và liên tục các quy trình cho heo ăn.
Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Bình Nam (huyện Thăng Bình) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù,...
Không ít hộ gia đình đã thoát nghèo, thậm chí \"nông dân hóa triệu phú\" - làm giàu từ nuôi trâu thương phẩm.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET