Trang trại nhân giống bò nái sinh sản tại Cty Cửa Đông ở xã Trung Thành (huyện Tràng Định)
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã chủ trương thu hút DN đầu tư, từng bước cải tạo chất lượng đàn bò bằng các giống bò mới như lai Sind, lai Brahman...
Là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu giao thương huyết mạch với thị trường Trung Quốc, Lạng Sơn đang từng bước đẩy mạnh khai thác tiềm năng đối với một số sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc, tiến tới thu hút DN xây dựng các khu giết mổ, chế biến thịt XK sang thị trường Trung Quốc.
Với trên 160 nghìn con gia súc (trâu, bò), tuy nhiên đến nay, Lạng Sơn vẫn chỉ đa số là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chưa hình thành SX quy mô hàng hóa đủ lớn. Đặc biệt, chất lượng đàn giống vẫn còn ở mức rất thấp. Tại các huyện vùng cao của Lạng Sơn hiện nay, các giống bò chủ yếu nuôi nhỏ lẻ vẫn là bò vàng (bò cỏ) bản địa trọng lượng bé, tốc độ sinh trưởng chậm, tỉ lệ thịt rất thấp...
Trước tình hình này, từ năm 2016 đến nay, Lạng Sơn đã chủ trương thu hút DN đầu tư, từng bước cải tạo chất lượng đàn bò bằng các giống bò mới như lai Sind, lai Brahman. Đồng thời, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt nông hộ theo hướng hàng hóa, tiến tới hình thành các vùng chăn nuôi lớn lấy nguyên liệu cho chế biến, giết mổ và XK...
Trung Thành (huyện Tràng Định, Lạng Sơn) là một xã vùng sâu giáp biên giới Trung Quốc, cách trung tâm TP. Lạng Sơn hơn 130km. Ở đây, xe ô tô khó có thể tiếp cận tới trung tâm xã, điện lưới vẫn còn phập phù. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, kể từ khi dự án chăn nuôi bò do Cty CP Tư vấn Đầu tư phát triển Cửa Đông (Cty Cửa Đông, TP. Lạng Sơn) đầu tư tại đây, đời sống của đồng bào Tày, Nùng như được thổi thêm một luồng sinh khí mới.
Khỏi phải nói tới muôn vàn gian nan của Cty Cửa Đông trong 2 năm đặt chân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi ở địa bàn biên giới hẻo lánh này. Nhưng trên hết, việc đầu tư vào nông nghiệp ở địa bàn đặc biệt khó khăn còn là nhiệm vụ an sinh xã hội mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn đã định hướng nhằm tạo hạt nhân lan tỏa cho SX của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, PGĐ Cty Biển Đông cho biết: Với tổng mức đầu tư đến thời điểm này khoảng 19 tỷ đồng, dự án chăn nuôi bò sinh sản của Cty mới chính thức đi vào hoạt động vào giữa năm 2016. Từ khoảng 40 con bò nái sinh sản đầu tiên được nhập về nuôi ở đây vào tháng 4/2016, đến nay, tổng số bò nái sinh sản của Cty đã được tăng lên 130 con.
Đây là nguồn giống bò nái lai Sind có chất lượng tốt, được nhập về từ các đơn vị nghiên cứu giống bò của Viện Chăn nuôi, sau đó tiếp tục được phối giống lai tạo để tạo ra thế hệ bò giống lai Sind, Brahman có chất lượng cao. Bê cái thế hệ F1 sinh sản ra sẽ được Cty Cửa Đông nuôi tiếp trong khoảng 10 tháng đến 1 năm để cung cấp cho nhu cầu của người chăn nuôi.
Đến nay, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đã có 3 - 4 lứa bê cái được Cty Cửa Đông cho “ra lò”, cung cấp khoảng 150 con bê cái cho các hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Để tạo điều kiện nhân rộng việc cải tạo đàn bò, UBND tỉnh Lạng Sơn đã lồng ghép nhiều chính sách như chương trình như Giảm nghèo bền vững; giảm nghèo đa sinh kế; chương trình hỗ trợ SX trong xây dựng NTM. Theo đó, các hộ dân có nhu cầu mua giống bò cái sinh sản chất lượng cao sẽ được hỗ trợ với mức tối đa lên tới 70% giá trị bê cái làm giống...
Ở trang trại của Cty Cửa Đông, bên cạnh cạnh việc nhân nguồn giống bê cái sinh sản cho mục đích cải tạo đàn bò trên địa bàn tỉnh, bê đực sẽ được Cty giữ lại để nuôi thành bò lấy thịt. Để tạo nguồn thức ăn ổn định cho trang trại, Cty đã thuê lại đất của người dân trong xã với diện tích khoảng 18ha để trồng cỏ, đồng thời, thu mua cỏ (phổ biến là cỏ VA06) cho người dân địa phương với giá ổn định từ 800 - 1.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa... Hiện Cty cũng thường xuyên duy trì, tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 lao động tại địa phương với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng, cùng nhiều lao động thời vụ...
Anh Trương Đức Long, thôn Bản Vèn, xã Trung Thành phấn khởi cho biết: Trước đây, do hiệu quả thấp, lại chưa biết trồng cỏ để nuôi bò nên số lượng bò trong xã không đáng kể, riêng Bản Vèn chỉ có 2 hộ nuôi bò, trong đó có gia đình anh. Năm 2017, nhờ có lứa bò cái giống lai Sind sinh sản của Cty Cửa Đông đóng tại địa bàn xã, anh đã mạnh dạn mua 3 con bê cái làm giống.
Đến nay chỉ sau hơn một năm, đã có 2/3 con bê sinh được bê con. Nhờ có cán bộ của Cty Cửa Đông hướng dẫn kỹ thuật, anh đã chủ động chuyển 4 sào lúa - ngô kém hiệu quả trước đây sang trồng cỏ...
“Những năm trước, người dân ở đây chỉ nuôi giống bò cỏ, lớn chậm và rất nhỏ. Nhưng bây giờ, giống bò mới lai Sind lớn rất nhanh, lại được tiêm phòng rất đầy đủ theo hướng dẫn nên không bị dịch bệnh” - anh Long hồ hởi.
Lê Bền / Nguồn: Nông Nghiệp VN
Có thể bạn quan tâm
Ngày 27/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 100/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Mặc dù giá lợn hơi trên thị trường lên xuống thất thường nhưng giá thịt lợn của các DN xây dựng được thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, thực hiện chuỗi liên kết lại tương đối ổn định, tạo sức hút với người tiêu dùng.
(Người Chăn Nuôi) - Sử dụng chế phẩm vi sinh phối trộn vào thức ăn cho heo là một hướng đi bền vững giúp cho các hộ nuôi, trang trại nâng cao hiệu quả.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET