PGS-TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - cho rằng việc sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) hiện chưa được quản lý tốt. Tình trạng quảng cáo tràn lan, thái quá về công dụng hoặc nhập nhèm giữa hỗ trợ - điều trị khiến người dùng nhầm lẫn nhưng việc giám sát, xử lý rất hạn chế.
Cấp phép quá dễ dãi
PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho biết ngay cả TPCN được cấp phép thì chất lượng cũng hết sức tù mù. Theo ông, chưa hề có tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất TPCN nên hiện nay, ai làm cũng được. Công thức và thành phần TPCN hết sức tùy tiện, điều kiện để sản phẩm lưu hành cũng rất dễ dàng.
Sản phẩm TPCN muốn được lưu hành chỉ cần dựa vào công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đánh giá tính hiệu quả. Do việc cấp phép chủ yếu căn cứ trên hồ sơ nên việc đánh giá chất lượng sản phẩm chưa hề có bằng chứng khoa học (về nguyên liệu, hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết…).
Sản phẩm được cấp phép cũng chưa được khoa học chứng minh về khả năng cải thiện sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ như các nhà sản xuất quảng bá. “Với điều kiện cấp phép quá dễ dãi như vậy, sản phẩm TPCN chất lượng và kém chất lượng bị đánh đồng thành một mớ” - TS Đáng nhìn nhận.
Theo quy định của Bộ Y tế, TPCN không được ghi hay chỉ định có thể điều trị bất cứ loại bệnh nào mà bắt buộc phải có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Dù vậy, khi quảng cáo trên các phương tiện đại chúng hoặc trên bao bì, ngôn từ bị biến hóa đa dạng, dễ khiến người dùng hiểu lầm.
Chức năng “tăng cường sức khỏe” của TPCN được cơ quan có thẩm quyền thông qua đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp lợi dụng để quảng cáo thực phẩm như thần dược. Việc TPCN được bày bán tràn lan trong hiệu thuốc cũng gây hiểu nhầm “coi như thuốc” với người dùng. Nhiều bác sĩ khi kê đơn cũng kê luôn TPCN mà không hề hướng dẫn cho bệnh nhân biết đó chỉ là thực phẩm nên dùng chứ không bắt buộc phải dùng hoặc không có khả năng chữa bệnh. Do đó, nhiều bệnh nhân đã đánh đồng TPCN như thuốc điều trị.
GS-TS Đào Văn Phan, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý ĐH Y Hà Nội, cho biết về nguyên tắc, TPCN không được bán cùng thuốc, nhất là trong các hiệu thuốc, để tránh gây hiểu nhầm; nếu xuất hiện trong quầy thuốc thì phải có khu vực riêng. “Thị trường TPCN bùng nổ nhưng người dùng lại thiếu thông tin khiến việc sử dụng sản phẩm chưa đạt hiệu quả” - ông nhận định.
Hỗ trợ điều trị bệnh: Phải chứng minh
PGS-TS Trần Đáng cho rằng việc để người dùng “tẩu hỏa nhập ma” trước một rừng TPCN hiện nay có phần lỗi không nhỏ của các cơ quan quản lý. Theo ông, kiểm soát chất lượng không tốt cho ra sản phẩm không tốt, kiểm soát quảng cáo chiếu lệ gây ra hiểu sai cho người dùng, kiểm soát giá không tốt khiến người dùng thiệt đơn thiệt kép.
Theo PGS-TS Đáng, chính người dùng cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của mình, không nên cứ dễ dãi cho rằng TPCN là thuốc bổ nên uống bừa, không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác. “TPCN chỉ thực sự tốt khi nó được áp dụng phù hợp với thể trạng từng người, có thời gian nhất định và liều lượng hợp lý. Cũng như việc uống thừa chất thì sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng, người dùng không nên uống quá 3 loại TPCN cùng lúc” - ông Đáng khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết Bộ Y tế đang soạn thảo dự thảo sửa đổi thông tư quản lý TPCN. Dự thảo mới yêu cầu sản phẩm phải chỉ ra đặc thù, phù hợp với các tài liệu nghiên cứu. Chẳng hạn, nếu các vitamin, khoáng chất bổ sung trong TPCN dưới 15% so với mức khuyến cáo ăn vào mỗi ngày thì trên nhãn sản phẩm không được công bố như thực phẩm bổ sung. Sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất từ 15% trở lên mới được công bố hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Việc phòng ngừa bệnh tật, làm giảm các triệu chứng thì phải có tài liệu khoa học chứng minh hiệu quả.
Theo quy định hiện hành, nếu hàm lượng vitamin, khoáng chất vượt quá 300% thì sản phẩm phải có giấy chứng nhận tính an toàn của cơ quan chức năng ở nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành. Trong dự thảo thông tư mới, nếu sản phẩm có lượng vitamin, khoáng chất bổ sung vượt quá 100% thì phải chỉ ra đối tượng và liều dùng phù hợp. Sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất (bất cứ hàm lượng nào) nếu công bố hỗ trợ điều trị bệnh thì phải chứng minh bằng thử nghiệm với hội đồng khoa học do Bộ Y tế chỉ định.
Hướng dẫn sử dụng phải cụ thể Dự thảo sửa đổi thông tư quản lý TPCN yêu cầu sản phẩm phải có tờ hướng dẫn sử dụng riêng. Nhóm thực phẩm “tăng cường sức khỏe” thường dập thành viên hay con nhộng, dễ gây hiểu nhầm là thuốc cho người bệnh nên trên tờ hướng dẫn phải có dòng chữ “Đây là TPCN không bắt buộc sử dụng” và “Đây không phải là thuốc, không có tác dụng chữa bệnh”. Ngoài ra, ông Lê Văn Giang còn đề nghị nên cấm ghi sản phẩm TPCN vào đơn thuốc để tránh hiểu nhầm cho người dùng. |
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Đặt nhiều kỳ vọng vào năm 2021 nhưng những gì ngành gia cầm gặp phải trong năm qua lại trái ngược hoàn toàn. Không chỉ đánh mất đà tăng trưởng cao, lợi thế lớn, gia cầm Việt Nam còn liên tiếp đón nhận những tin tức...
Lớn lên từ những miền quê nghèo khó nhưng bằng sự năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu, những bạn trẻ đã phấn đấu hết mình và trở thành những tỷ phú khi tuổi đời còn rất trẻ với nghề chăn nuôi.
Với một số ưu điểm như: Ít bị bệnh, nhanh thu hồi vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ rộng, mô hình nuôi chim cút thương phẩm đã giúp nhiều hộ dân ở tổ dân phố Tân Hợp, thị trấn Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) làm giàu...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET