Tiêm vaccine phòng dịch cho lợn
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, dịch bệnh, bà con cần lưu ý bảo đảm 4 yếu tố quan trọng sau khi tái đàn vật nuôi.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường nhất là dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền 2025, hiện nay, các cơ sở chăn nuôi đang tập trung cho tái đàn. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của thời tiết, dịch bệnh, bà con cần lưu ý 4 yếu tố chủ chốt sau:
1. Chuẩn bị chuồng trại
Ngay sau khi xuất bán hết vật nuôi, bà con cần thu gom và xử lý toàn bộ phân, rác thải, rửa sạch toàn bộ chuồng nuôi rồi để khô, phun thuốc sát trùng, quét nước vôi toàn bộ tường, nền và lối đi, đồng thời sửa chữa, gia cố lại mái, rèm che chuồng trại, nhất là các chuồng nuôi đã bị hư hỏng do trận bão số 3 vừa qua.
Sau khi vệ sinh chuồng trại, bà con để trống chuồng ít nhất 15 ngày. Trong thời gian này nên phun thuốc sát trùng từ 2 – 3 lần, rửa sạch toàn bộ dụng cụ chăn nuôi và ngâm vào dung dịch sát trùng, phơi khô.
Tổ chức khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh trại, chuồng nuôi để hạn chế ruồi muỗi và các động vật trung gian truyền bệnh. Vệ sinh bãi chăn thả, đặc biệt những khu vực trũng thấp bị ngập nước do lũ bão, thu dọn phân, rác thải, rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, không sử dụng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các dãy chuồng.
2. Con giống
Con giống được nhập từ những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có giấy chứng nhận cơ sở giống. Khi vận chuyển con giống về trại nuôi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền cấp và được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định.
Con giống sau khi nhập về phải được đưa ra khu vực nuôi cách ly để theo dõi sau 21 ngày, nếu không có các triệu chứng của bệnh truyền nhiễm thì mới cho nhập đàn. Lưu ý, bà con không chọn mua những con giống còi cọc lông xù. Đặc biệt, nếu chọn giống gà để nuôi đẻ trứng thương phẩm, bà con nên chọn con có trọng lượng không quá thấp, quá mập, bảo đảm lúc 20 tuần tuổi đạt từ 1,6 – 1,7 kg thì rất tốt.
Đối với lợn, không nhập những con da sần sùi, lông dày vì nuôi sẽ chậm lớn. Nếu là lợn giống, không chọn những con giống còi cọc có khuyết tật như khèo chân, úng rốn, có tật ở miệng, mũi.
3. Chăm sóc
Trong giai đoạn này, việc tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi là rất cần thiết, phải bảo đảm cung cấp đầy đủ thức ăn sạch giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con vật. Đối với lợn con tập ăn và gà con ở giai đoạn úm, tốt nhất nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để bảo đảm đủ dinh dưỡng, bổ xung chất điện giải, vitamin, glucose, b.complex vào nước uống cho gà, lợn để nâng cao sức đề kháng.
Tuyệt đối không dùng thức ăn hôi, mốc, thức ăn còn tồn từ lứa trước, thức ăn dư thừa từ các nhà hàng… Nguồn nước uống phải bảo đảm vệ sinh, không dùng nguồn nước từ các sông ngòi.
4. Phòng bệnh
Trong chăn nuôi, công tác phòng bệnh là việc làm rất quan trọng. Đây là một trong những khâu quyết định đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Vì vậy, bà con cần phải thực hiện nghiêm chỉnh việc tiêm phòng các loại vaccine và dự phòng thuốc chữa bệnh cho vật nuôi; thường xuyên nghe thông tin về tình hình thời tiết, dịch bệnh cũng như diễn biến của thị trường để chủ động trong việc sản xuất chăn nuôi của gia đình. Chủ động kê khai về hoạt động chăn nuôi của gia đình với chính quyền địa phương, cán bộ thú y để được tư vấn và hỗ trợ khi cần thiết.
NGUYỄN MINH ĐỨC,
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương
Có thể bạn quan tâm
Chi phí và nguồn cung các nguyên liệu thức ăn chính như ngô và khô đậu liên tục biến động đang gây không ít khó khăn cho nhà sản xuất. Bổ sung enzyme giúp thức ăn thay thế dễ tiêu hóa hơn và duy trì hiệu quả.
Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đúng kỹ thuật sẽ mang lại khả năng thụ thai của heo nái cao, chất lượng con giống ổn định, tiết kiệm chi phí và giá thành sản xuất cho người nuôi.
Tác động của bệnh tiêu chảy do nhiễm độc tố đường ruột Enterotoxin trên heo con và gà thịt gây bất lợi cho tăng trưởng, sức khỏe và phát triển tổng thể của vật nuôi.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET