Gà ác là loại gà cỡ nhỏ đã được thuần hóa và nuôi dưỡng. Ảnh: ST
(Người Chăn Nuôi) - Gà ác là loài dễ nuôi, có nhiều ưu điểm hơn so các giống gà khác, giá trị kinh tế cao. Giống gà này không chỉ là nguồn thức ăn bổ dưỡng, mà còn được coi là một vị thuốc bắc quý và ngày càng được nhiều người tiêu dùng sử dụng.
Dinh dưỡng cao
Gà ác hay còn gọi là ô cốt kê, gà chân chì, gà ngũ trảo. Ðây là một giống gà nhà của Việt Nam, được nuôi đầu tiên ở các tỉnh Trà Vinh, Long An, Tiền Giang. Gà ác là loại gà cỡ nhỏ đã được thuần hóa và nuôi dưỡng. Ðặc trưng của giống gà ác là bộ lông trắng không mượt nhưng toàn bộ da, mắt, thịt, chân và xương đều đen, chân có 5 ngón. Gà có mào cờ, mào con trống đỏ thẫm, mào con mái đỏ nhạt và nhỏ hơn. Giống gà này dễ bị nhầm lẫn giữa gà ác với giống gà đen (da, thịt đều màu đen) hoặc nhầm với gà ri, gà tre… Gà ác có khối lượng cơ thể nhỏ. Khối lượng 1 ngày tuổi, trung bình gà mái đạt 18,5 g và gà trống là 18,8 g. Tương tự như vậy ở 4 tuần tuổi là 114,6 g và 128,6 g và ở 9 tuần tuổi là 378,6 g và 466,9 g. Thông thường, gà trống và gà mái trên 4 tháng tuổi sẽ có khối lượng trung bình 650 - 750 g. Gà ác đẻ trứng sau khi được nuôi trên dưới 120 ngày và có sản lượng trứng 70 - 80 quả/năm.
Gà ác thường được chế biến thành các món hầm như món gà ác hầm nhân sâm hay gà ác tần ngải cứu. Ðây là một giống gà quý với giá trị dinh dưỡng cao. Theo Ðông y, gà ác có vị ngọt, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ gan thận, ích khí bổ huyết và giúp thanh nhiệt, điều kinh hoạt huyết, chữa rong huyết. Thịt gà ác còn chứa các axit amin cần thiết cho cơ thể gồm lysine, methionine, histidine. Giúp điều tiết khả năng miễn dịch cơ thể và chống lão hóa, nên người xưa được gọi là “gà thuốc”.
Dễ nuôi
Chăn nuôi gà ác là một trong những hướng đi giúp tăng thu nhập cho người dân bởi đây là giống dễ nuôi, giá bán giá cao do nhu cầu thị trường lớn. Một đặc tính quý báu của gà ác là chúng có thể thích nghi với mọi hình thức chăn nuôi khác nhau như chăn thả tự do, bán chăn thả và nuôi tập trung thâm canh… Gà ác lại có khả năng chống chịu cao với bệnh tật và khả năng tận dụng thức ăn tốt, chính vì vậy người chăn nuôi ở mọi đối tượng đều có thể nuôi được giống gà này. Theo kinh nghiệm của người dân, ưu điểm của việc nuôi gà ác là: Thời gian nuôi ngắn, chi phí đầu tư ít, lượng thức ăn hàng ngày ít do gà “nhỏ con” nên cũng giảm mức đầu tư chuồng trại. Tỷ lệ sống của gà ác khá cao, đạt 93,6 - 96,9%. Gà ác có khả năng chịu nóng tốt nhưng chịu lạnh kém. Nếu trong những tuần đầu gà được sưởi ấm tốt, tỷ lệ nuôi sống thậm chí đạt đến 100%.
Ở nước ta, trước đây thị trường tiêu thụ gà ác rất hạn hẹp nên đa số người dân chỉ nuôi theo hình thức nhỏ lẻ. Nhưng vài ba năm trở lại đây, gà ác thực sự trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích trong các bữa tiệc và trong các nhà hàng. Trong đó có cả loại đồ hộp gà ác hầm thuốc bắc đang được tiêu thụ trên thị trường. Do đó, mô hình chăn nuôi gà ác cũng dần phổ biến ở nhiều địa phương với quy mô lớn.
Chị Nguyễn Thị Hương Mến, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An là hộ chăn nuôi gà ác theo hướng an toàn sinh học cho biết, muốn hiệu quả khi nuôi gà ác thì ngoài khâu chọn giống cũng như phòng bệnh, thì khâu vệ sinh trong chăn nuôi là cực kỳ quan trọng. Thức ăn phải luôn mới, nước uống phải sạch sẽ, cần bổ sung thường xuyên điện giải và chất khoáng, vitamin. Nuôi gà ác sinh học ngoài điều kiện chuồng trại đảm bảo thì thức ăn cho gà cũng phải thay đổi từ cám công nghiệp sang các loại thức ăn dễ tiêu nhưng bổ dưỡng như mầm thóc, bột cá, bã đậu. Trong quá trình nuôi, gà được nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng bệnh đầy đủ nên tỷ lệ hao hụt rất ít, trọng lượng cao hơn so đại trà. “Qua 3 tháng nuôi, gà có thể xuất chuồng, với trọng lượng bình quân 1,7 - 1,8 kg, tỷ lệ sống 97%, giá bán 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí chăn nuôi, cho thu nhập 120 triệu đồng”, chị Mến chia sẻ thêm.
>> Gà ác có khối lượng nhỏ, tỷ lệ ít nhưng lại là loại gà thuốc, bồi dưỡng (tỷ lệ sắt trong thịt cao hơn gà thường 45%, tỷ lệ axit amin cao hơn 25%). Gà ác được nuôi chủ yếu để hầm với thuốc bắc hoặc ngâm rượu để bồi bổ sức khỏe và trị bệnh.
Nguyễn An
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh đậu gà (Fowl pox) là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, phổ biến trên gà 25 - 50 ngày tuổi. Ở nước ta, bệnh đậu gà xảy ra quanh năm nhưng vào mùa đông xuân hoặc cuối xuân đầu hè khi thời tiết khô...
Thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó, bằng các giải pháp nâng cao chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi, đồng thời cơ cấu lại công tác quản lý đã...
(Người Chăn Nuôi) - Nuôi ngan Pháp lấy thịt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi nhờ vào quy trình nuôi đơn giản, ít đầu tư.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET