Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Nuôi gà "ta": Một cơ hội đang bị bỏ lỡ!

Cập nhật: 14/06/2014

 Với khả năng quay vòng vốn nhanh, chi phí đầu tư thấp, nuôi gà quy mô nông hộ chính là lời giải tốt nhất thời điểm hiện tại cho bài toán thu nhập của nông dân hay xóa đói giảm nghèo nhanh. Tuy nhiên, việc thiếu đánh giá đúng đắn về vai trò thực tế của nhánh chăn nuôi này từ các cơ quan quản lý đã khiến suốt nhiều năm, nghề nuôi gà lông màu không phát triển đúng mức.

Hãy bắt đầu từ thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" của tỉnh Bắc Giang. Năm 2011, đây là thương hiệu vật nuôi đầu tiên của cả nước được cấp Chứng nhận độc quyền nhãn hiệu. Và từ đó đến nay, Gà đồi Yên Thế đã trở thành vật nuôi giúp nông dân Bắc Giang thoát nghèo với tốc độ nhanh, thậm chí nhanh hơn cả cây vải.

Không riêng Bắc Giang, hàng trăm nghìn hộ nông dân các tỉnh phía Bắc đang nuôi gà như là vật nuôi thoát nghèo chủ yếu. Tuy nhiên, thực tế là ít có địa phương xem nuôi gà như là lối thoát nghèo cho dân và càng ít hơn nữa địa phương thành công với lựa chọn này .

Nuôi gà đạt hiệu quả cao

Khác với cây vải cần vài năm và rất nhiều diện tích mới cho thu hoạch, nuôi gà không cần nhiều diện tích và thời gian quay vòng vốn chỉ chiếm không quá… 4 tháng. Vốn đầu tư và lợi nhuận tính theo năm, do thế, được nhân gấp 3 lần.

Và trái ngược với hoa quả chỉ có theo mùa, gà là vật nuôi cung cấp thực phẩm, nên nhu cầu tiêu thụ gà là có quanh năm mà không theo mùa vụ. Đặc biệt, nuôi gà cần tương đối ít vốn so với các ngành sản xuất nông nghiệp khác, nên rất phù hợp với bà con nông dân, đạt được hiệu quả ít ai ngờ tới.

Cụ thể, hiện chỉ cần 100m2 chuồng và 200m2 sân chơi, người nông dân đã có thể nuôi tới 1.000 gà lông màu mỗi vụ. Theo tính toán của các hộ dân, với gà đủ điều kiện xuất bán (trên 4 tháng tuổi), chi phí con giống, cám, thuốc… sẽ từ 90 - 100 triệu đồng/đàn 1.000 con.

Nếu gà được bán với giá bình quân 60.000 đồng/kg tại trại, người nuôi sẽ có lãi trên 20 triệu đồng/đàn gà. Nuôi khéo, người nuôi có thể quay vòng chuồng nuôi tới 3 vụ gà mỗi năm, đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ tăng gấp 3 lần.
Chi phí xây chuồng trại hết không quá 80 triệu đồng/chuồng để nuôi gà trong nhiều năm. Chi phí nuôi gà, do thế, là rất thấp nhưng vòng quay vốn đầu tư lại rất nhanh, hiệu quả kinh tế cao.

Tỉnh Bắc Giang đã khuyến khích và áp dụng các biện pháp hỗ trợ nông dân nuôi gà lông màu quy mô lớn. Từ đây đã tăng sản lượng đàn gà và tăng thu nhập cho các hộ nông dân. Toàn tỉnh hiện có đàn gia cầm khoảng gần 40 triệu con/năm, trong đó gà chiếm khoảng 86%.

Năm 2013, sản lượng gà thương phẩm (lông màu, gà trắng) của Bắc Giang đạt hơn 38.200 tấn. Hiện, tỉnh đã thành lập Hội Chăn nuôi và tiêu thụ Gà đồi Yên Thế, với hàng nghìn hội viên và hơn 500 tổ liên gia chăn nuôi gà. Đây cũng là tỉnh có nhiều DN, hộ dân tham gia vào việc tiêu thụ gà nhất phía Bắc, với 120 doanh nghiệp, thương nhân và hộ gia đình.

Vài năm trở lại đây, nông dân các tỉnh phía Bắc cũng đã đầu tư tiền của nuôi gà lông màu để làm thu nhập chính hàng năm. Khác với các trang trại nuôi gà trắng (gà công nghiệp), số hộ nuôi gà lông màu hiện có thể lên tới hàng chục nghìn hộ, với quy mô nuôi ít nhất 1.000 con/vụ 4 tháng trở lên đến hàng nghìn con/vụ.

Gà đồi Yên Thế đã trở thành vật nuôi giúp nông dân Bắc Giang thoát nghèo

Tuy nhiên, cũng là thực tế, các hộ dân này gần như chưa hề tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ từ phía Nhà nước, cũng như hệ thống thú y cơ sở. Và đó là hạn chế đích thực.

Rủi ro không nên có

Theo Nghị quyết số 14/2010 của HĐND và Quyết định 1076 (triển khai Nghị quyết 14) của UBND Tp.Hải Phòng, những hộ nông dân chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ có thể được hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng trong 5 năm (2010 - 2015). Nhưng từ 5 năm nay, gần như chưa có hộ nông dân nuôi gà lông màu nào tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ lãi suất phát triển nông nghiệp của Thành phố.

Theo những hộ nông dân chăn nuôi gà 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, từ nhiều năm nay, do không có vốn, nên trong chi phí nuôi 1.000 con gà mỗi vụ, họ phải tính thêm 2,4 triệu đồng tiền chi do mua chịu cám gà từ các đại lý.
Đồng thời, nông dân còn phải chịu thêm khoảng 5 triệu đồng tiền lãi chiết khấu của nhà máy cám cho các đại lý, tính vào giá bán cám.

Tổng cộng, những chi phí không đáng có này hết chừng 10 triệu đồng/1.000 gà/vụ 4 tháng. Đương nhiên, chi phí ấy sẽ làm giảm lợi nhuận nuôi gà của nông dân.

Oái oăm là, khi biết có thể được vay 75 triệu đồng hỗ trợ lãi suất từ Thành phố, nhưng các nông dân đều không vay được vì lý do… lãng xẹt. Theo đó, trong hồ sơ vay vốn cần phải có bản cam kết bảo vệ môi trường của hộ nuôi được chính quyền sở tại xác nhận.

Mà để được xác nhận, thì bắt buộc trại nuôi phải đạt điều kiện: nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của Thành phố, trong khi Thành phố mới có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, chưa có quy hoạch chi tiết phát triển chăn nuôi tại các địa phương. Thế nên đơn xin vay của nông dân cứ lên đến huyện là tắc. Tình hình này là phổ biến tại tất cả các địa phương như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang…

Cụ thể, những hộ nuôi gà quy mô vừa và nhỏ (dưới 10.000 con/năm) đều không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, gia tăng lợi nhuận. Tất cả các hộ dân đều phải dùng vốn tự có hoặc vay thương mại. Nếu không có vốn, thì buộc phải mua chịu cám, giống, thuốc thú y và chịu luôn các khoản lãi suất cao không đáng có.

Chưa hết, dù nuôi gà quy mô nông hộ đã thành phong trào, thực ra đã thành thu nhập chính của hàng chục, hàng trăm nghìn hộ nông dân phía Bắc, nhưng toàn bộ đầu ra cho sản phẩm thì lại hiện do tư nhân làm chủ.

Ngoại trừ tỉnh Bắc Giang đã có ý thức tìm kiếm, chắp mối với các DN thương mại để hỗ trợ đầu ra gà thương phẩm nuôi trong dân, thì đầu ra cho gà thương phẩm tại tất cả các địa phương đều phụ thuộc các chủ vựa tại địa phương và tại chợ Hà Vĩ (Hà Nội).

Giá gà, do thế, bị thả nổi. Nông dân nghiễm nhiên trở thành nạn nhân trong biến động giá gà. Dịp Tết vừa rồi, gà rớt giá xuống dưới 45.000 đồng/kg, làm hàng chục nghìn nông dân lỗ nặng. Trong khi đến đợt tăng giá gà hiện tại, thì hàng chục nghìn nông dân lại không kịp có gà xuất bán, nên cũng không có lợi nhuận.

Chuyện gà lông màu, với các hộ nuôi và cơ quan quản lý, đã trở thành một cơ hội bị bỏ lỡ theo cách ấy.

 

 


Có thể bạn quan tâm

Công tác phòng bệnh cúm gia cầm vào mùa lạnh
Công tác phòng bệnh cúm gia cầm vào mùa lạnh
Công tác phòng bệnh cúm gia cầm vào mùa lạnh

(Người Chăn Nuôi) - Cúm gia cầm được xem là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có độc lực cao, gây thiệt hại lớn trong chăn nuôi, nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Chủ động các biện pháp phòng chống luôn là giải pháp thiết thực nhất...

Bước đột phá cho chăn nuôi giai đoạn mới
Bước đột phá cho chăn nuôi giai đoạn mới
Bước đột phá cho chăn nuôi giai đoạn mới

(Người Chăn Nuôi) - Sau chiến lược chăn nuôi giai đoạn 2008 - 2018, ngành chăn nuôi nước ta đã đạt được những thành tích vượt trội cả trong nuôi và xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những bất cập nhất định. Để ngành hàng này phát triển mạnh...

Tăng thu nhập từ chăn nuôi bò
Tăng thu nhập từ chăn nuôi bò
Tăng thu nhập từ chăn nuôi bò

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện địa phương có tổng đàn bò trên 116.000 con, đặt mục tiêu cuối năm tăng đàn lên 121.000 con.