Tổng đàn hươu của huyện Hương Sơn đạt khoảng 36.000 con. Ảnh: Đức Hùng
Trung bình một năm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thu về khoảng 200 tỷ đồng tiền bán nhung và hươu giống.
Mùa cắt nhung hươu ở huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) bắt đầu cuối tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 (dương lịch) hàng năm. Những ngày này một số con hươu đang cho thu hoạch nhung trái vụ và các hộ nuôi chuyển sang công đoạn chăm sóc để hươu sớm ra nhung trong vụ mới.
Tất bật cùng vợ lấy thức ăn, vệ sinh chuồng trại, ông Đặng Viết Đức (63 tuổi, trú thôn Sông Con) cho biết, gia đình nuôi 7 con hươu (2 con cái, 5 con đực). Năm nay, ông Đức thu về 30 triệu tiền bán nhung và hươu giống.
"Nhung hươu thường được người dân mua về để ngâm rượu, hoặc xay bột uống để tăng cường sức khỏe", ông Đức nói.
Vùng đất ở huyện Hương Sơn thích hợp cho việc trồng nguyên liệu nuôi hươu. Ảnh: Đức Hùng
Ông Phạm Khoa (trú thôn Đồng Hà) nói nhà có đàn hươu 6 con, năm ngoái bán được hơn 6 kg nhung, hai con hươu đực giống, thu về gần 90 triệu đồng. "Vụ vừa rồi bà con ở vùng này ai cũng phấn khởi vì sản phẩm bán được giá", ông Khoa chia sẻ.
Theo người dân, vòng đời một con hươu khoảng 15 năm, khi hươu già đi thì bán thịt, nuôi lứa mới. Hàng năm, hươu đực thường cho nhung hai lứa liên tục. Lần đầu là vào tháng 12 dương lịch, lần hai là tháng 4 của năm sau. Một số con khác cho nhung trái mùa, thời điểm từ tháng 6 đến tháng 8.
"Bà con ở đây mỗi nhà chỉ làm khoảng vài ba sào ruộng đỡ tiền mua gạo, còn lại tập trung vào nuôi hươu vì thu nhập cao hơn nhiều lần. Trung bình một con hươu tốt có thể bán được 30 triệu tiền nhung mỗi năm. Hộ nào nuôi nhiều thì tiền lời lên đến hàng trăm triệu đồng", một người dân nói.
Ông Đinh Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Quang cho biết, từ năm 1990 đến nay, hươu trở thành vật nuôi chủ lực, giúp người dân ở huyện Hương Sơn thoát nghèo. Tổng đàn nuôi toàn huyện đạt hơn 36.000 con, trong đó 20.000 con hươu đực đã cho lộc nhung.
Xã Sơn Quang được xem là "thủ phủ" nuôi hươu của huyện. Toàn xã có 95% hộ gia đình nuôi, tổng đàn gần 2.500 con. Sản lượng nhung hươu năm 2018 của xã đạt 1,2 tấn, nguồn thu từ hươu chiếm 55% tổng thu nhập trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, không phải lúc nào hộ nuôi hươu cũng gặp thuận lợi. Năm 2014, khi giá hươu xuống dốc, người dân gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm không thể tiêu thụ, nhiều hộ chán nản bỏ nghề.
"Hươu thường ít bệnh tật, song khi đổ bệnh thì rất khó chữa. Để tiêm phòng cho hươu phải cần 4-5 người hợp sức mới làm được", ông Dũng nói và cho hay có thời điểm hươu bị bệnh chết rải rác trên địa bàn, nhiều nhà lỗ hàng chục triệu đồng.
Chủ tịch xã Sơn Quang cho hay, đầu năm 2019, khi Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý "Hương Sơn" dùng cho sản phẩm nhung hươu thì giá nhung hươu liên tục tăng mạnh.
"Chỉ dẫn này giúp người mua biết nguồn gốc, xuất xứ, nâng cao giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cho sản phẩm nhung hươu, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi", ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn thông tin thêm, "nuôi hươu mang lại lại thu nhập cao cho hàng nghìn hộ dân trong vùng, giúp cho họ có đời sống tốt". Năm nay toàn huyện thu về 150 tỷ đồng tiền bán nhung hươu và 50 tỷ đồng bán hươu giống.
"Huyện hỗ trợ bà con và các doanh nghiệp ở công đoạn truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm", ông Thọ nói.
Theo Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh Trần Hùng, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa hươu sao ra khỏi danh mục động vật rừng thông thường, bổ sung vào danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. "Các bộ ngành sau đó đã tham mưu Chính xây dựng Luật chăn nuôi và được Quốc hội đồng ý việc này", ông Hùng cho hay.
Điều 67 Luật chăn nuôi quy định:
Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nuôi hươu sao đã được thuần hóa, có nguồn gốc hợp pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc của hươu sao được nuôi.
Tổ chức, cá nhân nuôi hươu sao phải có chuồng nuôi phù hợp với đặc tính sinh học của hươu sao, bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Theo VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Thứ Bảy 07:03 08/02/2014 (HNM) - Nhiều năm qua, gia đình cựu chiến binh (CCB) Đỗ Quang Hòa ở thôn Áng Gạo luôn được công nhận là gia đình CCB tiêu biểu của xã Thụy An (huyện Ba Vì) trong phong trào phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
(Người Chăn Nuôi) - Nhờ ứng dụng công nghệ CRISPR, một nhóm các nhà khoa học ở Trung Quốc đã lai tạo thành công giống heo biến đổi gen có mỡ cơ thể ít hơn khoảng 24% so với heo bình thường.
(Người Chăn Nuôi) - Thiếu selen và Vitamin E khiến heo dễ mắc các bệnh ở từng giai đoạn sinh trưởng, sinh sản và suy giảm khả năng chống chọi với bệnh tật...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET