Cần liên tục bổ sung nước uống cho gà con mới nở. Ảnh: Treehugger
(Người Chăn Nuôi) - Gà con trong giai đoạn mới nở là lúc chúng yếu nhất. Hệ tiêu hóa và hô hấp chưa hoàn thiện, cùng với sức đề kháng kém dẫn đến việc dễ mắc bệnh. Do đó cần tập trung vào việc phòng bệnh cho gà mới nở để giảm thiểu các thiệt hại và giúp gà phát triển tốt.
Ðảm bảo vệ sinh chuồng trại
Vị trí xây chuồng ở hướng gió, biệt lập với khu vực gà trưởng thành và các giống vật nuôi khác. Chuồng chắn đảm bảo có mái che, luôn khô ráo, không bị mưa tạt, gió lùa, có lưới hoặc cót quay để tránh chuột hoặc mèo tấn công.
Luôn giữ chuồng trại sạch sẽ khô ráo, thoáng mát mùa hè, ấm áp vào mùa đông, định kỳ phun sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, thay chất độn chuồng, cọ rửa máng ăn, máng uống sạch sẽ.
Trước khi mang gà về nuôi, cần vệ sinh và sát khuẩn chuồng cẩn thận để loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh. Trong quá trình nuôi, cũng cần dọn dẹp thường xuyên để chuồng không bị bẩn.
Thực hiện tốt khâu úm
Chuồng úm cần có rèm che để đảm bảo kín gió. Bên cạnh đó, cần trang bị đèn sưởi để giữ ấm cho gà. Nếu không đảm bảo các yếu tố này, gà con sẽ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là cảm lạnh. Nhiều trường hợp, dù gà có khỏi bệnh thì hệ hô hấp của chúng vẫn không hồi phục hoàn toàn lại được và sau này dễ tái phát bệnh hơn. Với gà con mới nở, nhiệt độ chuồng úm trong tuần đầu tiên nên duy trì trong khoảng 32 - 340C. Các tuần sau đó giảm dần nhiệt độ xuống để gà tập thích ứng với môi trường. Ðể đảm bảo khả năng giữ nhiệt tốt thì chuồng úm không nên quá rộng, mà cần được chia thành nhiều cụm.
Không chỉ vệ sinh bên trong chuồng úm, người nuôi cũng cần vệ sinh và sát khuẩn khu vực xung quanh chuồng. Nếu khu vực bên ngoài bị bẩn, mầm bệnh vẫn có thể xâm nhập vào bên trong dễ dàng và sẽ làm cho cả đàn gà con mắc bệnh.
Thường xuyên lau dọn dụng cụ chăn nuôi. Các máng ăn, uống, xe chở thức ăn, xẻng xúc thức ăn… đều là những thứ rất thuận lợi cho vi khuẩn ký sinh nếu không được rửa thường xuyên.
Cho ăn
Với gà con mới nở, không nên cho ăn vào ngày đầu tiên. Lúc này, lòng đỏ vẫn còn sót lại trong hệ tiêu hóa của gà, nếu cho ăn thêm thì sẽ gây ra hiện tượng khó tiêu.
Nên cho gà ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa để gà dễ dàng hấp thu dưỡng chất. Các loại cám công nghiệp và cám viên được đánh giá hiệu quả rất cao. Nếu thấy gà ăn khó tiêu, có thể sử dụng các loại thức ăn công nghiệp có men tiêu hóa. Nên chia nhỏ lượng thức ăn của gà thành 5 - 6 buổi/ngày. Mỗi lần cho ăn, nên loại bỏ hoàn toàn đồ ăn còn thừa trước khi cho đồ ăn mới vào.
Cho uống
Nước uống của gà nên được bổ sung liên tục để đảm bảo không bị thiếu. Thay nước thường xuyên để tránh việc gà uống nhầm nước hỏng, ảnh hưởng đến tiêu hóa. Gà mới nhập về thường dễ bị stress, có thể giúp chúng thư giãn bằng cách cho gà uống nước có pha 50 g Glucose và 1 g Vitamin C/3 lít nước. Các ngày sau đó, có thể pha đều đặn Vitamin C vào nước cho gà uống để kích thích và cải thiện hệ tiêu hóa. Các máng ăn, uống nên được đặt xen kẽ trong chuồng úm để gà dễ dàng tìm đến khi cần.
Tiêm vaccine
Ðây là cách phòng bệnh cho gà con mới nở cực kỳ hữu hiệu. Cần tuân thủ lịch tiêm vaccine nghiêm ngặt để giảm nguy cơ gà mắc bệnh. Một số căn bệnh như Newcastle, Gumboro đã có vaccine tiêm phòng. Ðây đều là những căn bệnh nguy hiểm có thể phải tiêu hủy cả đàn gà. Tùy từng đối tượng nuôi cụ thể để áp dụng lịch tiêm phòng vaccine khác nhau. Người nuôi có thể tham khảo lịch tiêm sau:
- 1 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine Marek.
- 3 - 5 ngày tuổi: Nhỏ vaccine lasota lần 1.
- 7 ngày tuổi: Chủng đậu.
- 10 ngày tuổi: Nhỏ IBD (bệnh Gumboro).
- 21 - 24 ngày tuổi: Vaccine lasota lần 2, Gumboro lần 2.
Hoàng Ngân
Có thể bạn quan tâm
Ngày 10/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có Công điện số 5085/UBND-NN gửi các sở, đơn vị, địa phương trong tỉnh, đề nghị chủ động khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi sau ảnh hưởng của cơn bão số 3.
(Người Chăn Nuôi) - Nuôi hươu sao lấy nhung đang là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi nhờ hươu dễ chăm sóc, ăn phàm, khả năng kháng bệnh tốt, cho thu hoạch bộ nhung có giá trị cao.
Nông dân Ðào Văn Mẫn, ở thôn Tú Dương - xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả cao, nhất là chăn...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET