(Người Chăn Nuôi) - Bệnh hô hấp phức hợp trên heo bao gồm phức hợp nhiều yếu tố gây bệnh liên quan đến đường hô hấp và tốc độ sinh trưởng heo như môi trường, quản lý chuồng trại, di truyền. Việc chẩn đoán sớm cũng như xác định được chính xác bệnh có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong điều trị bệnh mà còn giúp quản lý và kiểm soát tốt bệnh.
Nguyên nhân
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể xếp vào 2 nhóm chính như sau:
Do vi sinh vật: Virus: Virus gây bệnh giả dại, virus gây bệnh tai xanh, virus gây bệnh cúm, circovirus…; Vi trùng: Actinobacillus pleuropneumoniae (APP), Bordetella bronchiceptica, Haemophilus parasuis, Pasteurella multocida, Streptococcus suis, Salmonella cholera suis, Mycoplasma…; Ký sinh trùng: Do giun phổi, do sự di hành của ấu trùng giun tròn.
Do môi trường và chăm sóc quản lý: Chuồng trại luôn ẩm ướt, ẩm độ cao, vệ sinh kém; Mật độ nuôi nhốt heo chật chội; Chuồng nuôi không thông thoáng, tồn đọng nhiều khí độc trong chuồng như NH3, H2S, CO2…
Triệu chứng
Đặc trưng của bệnh đường hô hấp là heo ho, sốt cao, khó thở, thở thể bụng, chảy nhiều dịch mũi, giảm ăn hoặc bỏ ăn, xuất hiện các điểm, mảng tím trên da, đặc biệt là phần tai. Một vài trường hợp có thêm triệu chứng chảy máu mũi. Để phân biệt bệnh viêm phổi do Mycoplasma thì heo ho to từng cơn dài 7 - 10 tiếng, ho mọi lúc: Sáng sớm, chiều tối, sau khi ăn, bị rượt đuổi…
Bệnh tích
Bệnh tích phổi ghi nhận phổi bị nhục hóa, xẹp, có nhiều đốm xuất huyết, cứng và có màu đỏ sẫm, đôi khi có mủ. Bên cạnh các bệnh tích viêm phổi dính sườn, xoang bao tim tích nước, tràn dịch màng phổi và xoang bụng và viêm khớp cũng được ghi nhận. Heo từ 8 tuần tuổi trở đi, đặc biệt ở giai đoạn 8 - 10 tuần tuổi và 14 - 20 tuần tuổi là lứa tuổi dễ bị mắc bệnh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán được bệnh, cần phải có chi tiết các dấu hiệu lâm sàng trên heo càng tốt như tuổi, tỷ lệ mắc bệnh trong đàn, tỷ lệ chết, lịch tiêm phòng, đáp ứng điều trị của heo, các triệu chứng, các bệnh tích đặc biệt là bệnh tích trên phổi...
Kiểm soát
Thực hiện tốt biện pháp tổng hợp gồm 4 vấn đề: (1) Tiêm vaccine; (2) Sát trùng chuồng trại; (3) Sử dụng thuốc; (4) Chăm sóc quản lý tốt.
- Tiêm đầy đủ vaccine để phòng các bệnh truyền nhiễm, kể cả vaccine ngừa bệnh hô hấp khi heo còn khỏe mạnh. Nên chọn vaccine hô hấp loại đa giá.
- Chuồng phải được sát trùng định kỳ 7 ngày/lần với thuốc sát trùng, giữ khô chuồng để giảm độ ẩm, chuồng phải thông thoáng. Tránh gây stress cho heo, nuôi heo mật độ vừa phải, nhập heo vào cùng lượt và xuất ra cùng lượt.
- Vào những thời điểm như chuẩn bị cai sữa, thời tiết chuyển lạnh… cần trộn một trong số các kháng sinh sau: Doxy 50; Amox 50; Tetramycin hoặc Timicosin vào thức ăn để kiểm soát bệnh, dùng liên tục 5 ngày…
- Sau mỗi đợt dùng kháng sinh, nên bổ sung chế phẩm sinh học để cung cấp vi khuẩn có lợi, tăng sức đề kháng và giảm khí độc trong chuồng nuôi.
- Thức ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý, cần bổ sung 50 - 100 IU Vitamin E/1 tấn thức ăn nếu trong đàn heo có biểu hiện của bệnh hô hấp. Cung cấp đầy đủ nước sạch mọi lúc cho heo uống.
Điều trị
Để cho kết quả điều trị cao, cần điều trị sớm. Nên ưu tiên chọn các kháng sinh cho hiệu quả cao như: TULACIN (dùng ngày đầu tiên trong liệu trình điều trị), sau đó 1 ngày dùng AMOX- LA tiêm buổi sáng và buổi chiều dùng chế phẩm có CEFTIOFUR tiêm bắp theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch
Học viện Nông Nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Với việc mạnh dạn thuê 14ha đất để nuôi 25.000 con gà siêu đẻ và 15.000 con vịt, anh Nguyễn Văn Hồng (38 tuổi) ở thôn Ngọc An, xã Kim Bình, TP. Phủ Lý (Hà Nam) đã bỏ túi gần 4 tỷ đồng mỗi năm.
(Người Chăn Nuôi) - Trong chăn nuôi dê, thực hiện đúng quy trình phòng bệnh sẽ giúp vật nuôi có sức khỏe tốt, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
(Cổng ĐT HND) - Điển hình của mô hình lai tạo, nuôi giống gà nòi Nam bộ là anh Nguyễn Quốc Diệp ở xã Long Hưng, thị xã Gò Công.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET