Ảnh minh họa - nguồn internet
(Người Chăn Nuôi) - Trong chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng, ánh sáng có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, lượng thức ăn, tỷ lệ tử vong, hiệu suất chuyển hóa thức ăn, phúc lợi gà thịt.
Tuy vậy, trong thực tế sản xuất, vẫn có nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm, hoặc là không chú ý đến tác dụng của ánh sáng, hoặc là sử dụng chế độ chiếu sáng sai như: Chiếu sáng cho gà con dưới 3 tuần tuổi liên tục 24/24 mà không có ngắt quãng cho gà nghỉ; với gà đẻ, chiếu đủ 15 - 16 tiếng/ngày nhưng lại chiếu thêm vào buổi tối; chiếu sáng quá mạnh, làm cho gà bị kích thích quá mức. Người nuôi cần tham khảo chương trình chiếu sáng sau:
Gà con mới nở đến 3 tuần tuổi, không chiếu sáng 24 tiếng liên tục; cứ 22 tiếng chiếu sáng thì có 2 tiếng trong bóng tối; từ 4 - 7 ngày tuổi chiếu 21 tiếng + 3 tiếng trong bóng tối; sáng tối ngắt quãng sẽ giúp gà nghỉ ngơi; đồng bộ các hoạt động của gà với việc ăn uống; lập thói quen ăn uống và hoạt động một cách tự nhiên cho gà, sẽ tăng tỷ lệ sống và tăng khối lượng gà; cải thiện phản ứng kháng thể với việc tiêm vaccine.
Từ 8 - 14 ngày tuổi nên chiếu sáng ngắt quãng: Chế độ 4 + 2 (4 tiếng sáng + 2 tiếng tối) xen kẽ nhau.
Sau 2 tuần tuổi, chỉ chiếu 10 tiếng/ngày. Sau 3 tuần, chỉ chiếu 8 tiếng/ngày. Khi gà chuẩn bị vào đẻ, tăng mỗi tuần 15 phút/ ngày. Ví dụ, gà chuyên trứng từ tuần 16 chiếu 8 tiếng 15 phút; tuần 17 chiếu 8 tiếng 30 phút, tăng lên như vậy cho đến khi đủ 16 tiếng/ngày. Lưu ý thời điểm bổ sung ánh sáng, tuyệt đối không chiếu sáng bổ sung vào buổi tối và nửa đêm, tức là không chiếu thêm vào lúc 18 - 20 giờ hàng ngày (để cho gà ngủ, hormone LH (gây rụng trứng) hoạt động); chỉ chiếu sáng bổ sung sau 2 giờ sáng.
Các loại gia cầm như vịt, ngan ngỗng, bồ câu, chim cút... chiếu sáng bổ sung vào buổi tối cho đến nửa đêm. Màu sắc, nên dùng ánh sáng trắng; các loại đèn, tia cực tím không ảnh hưởng đến năng suất trứng. Gia tăng ánh sáng đột ngột gây ra tỷ lệ đẻ cao hơn là tăng chậm.
Gà gần như mù màu xanh lá cây, nên sử dụng ánh sáng này khi gà mổ cắn nhau và khi bắt, tiêm phòng, dồn đàn, cắt mỏ để tránh đàn gà bị stress nặng. Cường độ ánh sáng tối thiểu 15 lux trong giai đoạn hậu bị là tối ưu cho sự phát triển cơ quan sinh dục và sản xuất trứng tiếp theo. Khi gà đẻ, có thể thấp hơn 30 - 60 lux, nhưng tối thiểu là 20 lux là đảm bảo phúc lợi.
Để đơn giản, khi đứng trong chuồng gà nếu đọc được báo hoặc xòe bàn tay ra nhìn rõ gân bàn tay tức là ánh sáng quá mạnh, nếu không đọc được báo hoặc không nhìn rõ gân bàn tay là cường độ ánh sáng phù hợp.
PGS.TS. Bùi Hữu Đoàn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Trong quá trình nuôi dê, thực hiện tốt các kỹ thuật thú y giúp hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
(Người Chăn Nuôi) - Giá phosphates đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây do chiến sự ở Ukraine, thiếu hụt phân bón, đại dịch COVID-19 và lạm phát. Một giải pháp thay thế là phosphates tự nhiên, nhưng điều này liệu có khả thi?
(Người Chăn Nuôi) - Nuôi bò sinh sản nhốt chuồng đang là hướng đi thu hút nhiều hộ nông dân đầu tư nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET