Hiếm có một trang trại gà nào lớn như trang trại của anh Vũ Năng Thành ở thôn Quang Trung, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng. Với 15.600m2, anh Thành đã trở thành hộ chăn nuôi gà quy mô lớn nhất huyện. Hiện nay mô hình này đã đem lại thu nhập cho gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng/năm.
Ảnh nguồn internet
Câu chuyện anh kể cho chúng tôi nghe bắt đầu từ khi anh còn bôn ba khắp các tỉnh làm nghề thợ xây. Ngày đó nhà chỉ có mấy sào ruộng, mẹ anh lại già yếu, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đối với người dân, nhất là đàn ông, thời đó đi xây là dễ kiếm tiền nhất. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn túng thiếu bởi công thợ xây ngày đó thấp. Vừa làm thợ xây anh vừa băn khoăn, suy nghĩ không biết làm gì để nâng cao thu nhập đời sống cho gia đình.
Năm 2001, anh quyết định ở nhà để đầu tư chăn nuôi. Với trên 1000m2 đất vườn của gia đình, anh đã mạnh dạn vay của người thân và ngân hàng vài chục triệu đồng để mua con giống và xây dựng chuồng trại. Lúc đầu do vốn ít nên anh thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài. Khi đã có chút lưng vốn, anh đầu tư nuôi tới hàng nghìn con gà. Tuy nhiên, do chưa được tiếp cận với nhiều mô hình chăn nuôi khoa học và thiếu kinh nghiệm trong việc áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nên năm 2005, gia trại nhà anh đã bị chết tới gần 5000 con gà do dịch H5N1.
Mặc dù thiệt hại lớn về kinh tế nhưng ước mơ làm giàu vẫn thôi thúc anh tiếp tục duy trì mô hình. Sau lần đó, anh lao vào tìm hiểu, học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả ở các nơi và về bàn với vợ chuyển ra khỏi khu dân cư để đầu tư chăn nuôi với số lượng lớn hơn, khoa học hơn, tránh ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân trong xóm.
Năm 2007, anh đã đấu thầu trên 15.000 m2, vay ngân hàng hàng trăm triệu đồng cộng với số vốn tự có của gia đình để đào trên 10.000m2 ao, xây dựng trên 2000m2 chuồng trại. Do học hỏi được kinh nghiệm nên khu chuồng trại đã được anh đầu tư 800 triệu đồng xây theo mô hình khép kín với đầy đủ các thiết bị vệ sinh sạch sẽ và hiện đại như máng ăn, đèn sưởi ấm, hệ thống quạt làm mát, nước tự động.
Hiện nay, một năm anh xoay vòng 6 lứa gà, trung bình cứ 2 tháng anh phải bỏ ra 900 triệu đồng để đầu tư vào con giống và thức ăn cho gia cầm với trên 10.000 con gà công nghiệp. Với mức giá bán 45.000 đồng/kg xuất ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, trừ chi phí anh lãi 200 triệu đồng/lứa.
Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, ngoài việc áp dụng mô hình chăn nuôi hiện đại, anh còn duy trì tiêm phòng vacxin cho gia cầm theo đúng quy định và mỗi lứa anh còn nhập 70 khối trấu để rải cho chuồng nuôi luôn khô ráo,sạch sẽ. Ngoài ra, anh Thành còn kết hợp nuôi cá, mỗi năm anh xuất 14 tấn cá truyền thống và nuôi trên 4000 con vịt đẻ, trung bình anh thu trên 3 vạn trứng/năm.
Tới đây, anh sẽ đầu tư nuôi thêm 3.600 con gà đẻ, dự tính mỗi con sẽ cho gần 300 quả trứng/năm. Tuy nhiên, hiện nay anh Thành vẫn trong tình trạng “khát” vốn vì thế anh mong cấp trên tạo điều kiện cho những hộ chăn nuôi lớn được tiếp cận với nguồn vốn vay, đồng thời cấp chứng nhận sản phẩm sạch để tạo thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm. Từ việc chăn nuôi hiệu quả, anh Thành đã thoát nghèo, trở thành hộ giàu ở địa phương. Hiện nay, trang trại của anh đã trở thành điểm đến học tập kinh nghiệm của đông đảo các hộ chăn nuôi khác.
Lớn lên từ những miền quê nghèo khó nhưng bằng sự năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu, những bạn trẻ đã phấn đấu hết mình và trở thành những tỷ phú khi tuổi đời còn rất trẻ với nghề chăn nuôi.
(Người Chăn Nuôi) - Việc chẩn đoán thai sớm cho heo nhằm phát hiện chính xác số heo mang thai trong tổng đàn được phối, qua đó dự đoán số heo con sinh ra...
(Cổng ĐT HND)- Trước đây gia đình anh Hoàng Văn Chung, thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng như nhiều gia đình khác năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt.