Cần nắm vững chế độ dinh dưỡng để vịt sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: Farmhouseguide
(Người Chăn Nuôi) - Vịt con mới nở sức đề kháng kém, khả năng hấp thu dinh dưỡng chưa tốt, do đó cần nắm vững chế độ dinh dưỡng để vịt sinh trưởng và phát triển tốt.
Giai đoạn 1 - 3 ngày tuổi
Giai đoạn này cho vịt con tập ăn bằng bột ngô hoặc tấm gạo; Uống nước có pha B-Complex, Vmevit elextrolyte. Từ ngày thứ 2 có thể cho ăn cám hỗn hợp dành riêng cho vịt con mới nở. Trong giai đoạn này cần cung cấp nước sạch đầy đủ cho vịt con.
Thường cho vịt ăn cơm, ngô mảnh, mì hạt nấu chín. Những người chuyên nuôi vịt thường cho vịt con uống nước lá hành, với tỷ lệ cứ 1 phần lá hành cho vào 50 - 60 phần nước. Thức ăn tinh dùng cho vịt con ở giai đoạn này chủ yếu là gạo (với khẩu phần 3 - 4 kg cho 100 con). Thức ăn nấu xong để nguội, đổ ra rá cho nước vào rồi bóp tơi ra cho hết nhựa dính, để ráo nước rồi mới cho vịt ăn. Khi cho vịt ăn thì trải cót, đặt nong (hoặc trải vải nilông) rồi đổ đều thức ăn để vịt ăn không bị vãi. Không nên đổ cả thức ăn một lần cho một bữa mà rắc một ít, khi vịt ăn gần hết lại rắc tiếp để kích thích chúng ăn được nhiều và không giẫm đập lên làm bết bẩn thức ăn.
Mỗi ngày nên cho vịt ăn 4 - 5 bữa, trong đó có 1 bữa vào lúc 21h30. Sau mỗi bữa ăn cần cho vịt uống nước sạch hoặc uống nước lá hành. Trong giai đoạn này người ta thường không cho vịt ăn thêm thức ăn đạm (mồi).
Giai đoạn 4 - 10 ngày tuổi
Khi nuôi vịt con có thể tập cho vịt con ăn thêm rau xanh trộn với cơm nấu chín. Bổ sung thêm chất tanh như bột tôm hay bột cá. Tuy nhiên bột tôm, cá có lượng muối khá cao nên cần trộn vừa phải không quá nhiều tránh ngộ độc muối. Tập cho vịt ăn thêm rau xanh, bèo tấm hoặc bí… trộn lẫn với cơm. Ngoài ra cho vịt ăn thức ăn đạm, nếu mồi là ốc thì phải luộc chín, nếu là cua thì giã nhỏ nấu với cơm, nếu là cá, tôm, tép thì băm nhỏ. Tập cho vịt ăn từ ít đến nhiều, tránh để vịt ăn quá nhiều một lúc khiến chúng bị bội thực. Thời gian này còn phải tập trung cho vịt xuống nước để tắm, những ngày đầu chỉ cho vịt xuống nước 5 - 10 phút, sau tăng dần đến 30 phút và ngày thứ 10 trở đi có thể cho vịt xuống nước tự do.
Giai đoạn 11 - 16 ngày tuổi
Không cần phải nấu cơm, nấu chín mì hạt hoặc mảnh ngô nữa mà chỉ cần ngâm thức ăn hạt cho mềm. Đến ngày thứ 15 trở đi cho vịt ăn thóc luộc (thóc bung), có thể trộn thêm cám và rau xanh vào. Thời gian này vịt rất phàm ăn, vì vậy không nên cho ăn quá nhiều một lúc; Số bữa ăn sẽ giảm dần đến khi mỗi ngày chỉ cần cho ăn 2 bữa kết hợp với chăn thả ngoài đồng (để vịt tự kiếm thêm thức ăn). Tăng cường cho vịt ăn nhiều thức ăn đạm.
Giai đoạn 17 ngày trở đi
Thời gian này vẫn cho vịt ăn thóc bung và cho thêm lẫn thóc không bung vào. Đến ngày thứ 20 trở đi không cần phải luộc thóc nữa vì vịt đã quen thóc rồi (gọi là vịt đã “thuộc thóc”). Trong giai đoạn này vịt con cần bổ sung thêm chất tanh như cá, ốc, hến, cua… nên có thể thả vịt ra ao, hồ, đồng… để chúng tự kiếm thêm thức ăn. Khi vịt con được 20 ngày tuổi trở đi có thể cho vịt ăn thêm thóc.
Dụng cụ cho ăn
Máng ăn: Ở giai đoạn vịt con có thể dùng máng tôn kích thước dài 70 - 90 cm, rộng 50 cm vừa tầm 40 - 60 con/máng, mẹt tre hoặc tấm ni lông cho vịt ăn. Có thể xây bằng gạch hoặc bê tông cho vịt ăn tuy nhiên nên vệ sinh sạch sẽ máng ăn thường xuyên trước khi cho vịt ăn.
Máng uống: Giai đoạn 1 - 4 tuần tuổi có thể loai máng tròn 2 lít, vịt 5 - 12 tuần dùng máng 5 lít, dùng cho 20 - 30 con/máng cung cấp khoảng 0,3 - 0,5 lít nước/ngày. Máng ăn để cách xa máng uống tầm 2,5 m. Có thể dùng gạch xây máng uống cho vịt. Nhớ thường xuyên vệ sinh và cung cấp nước sạch cho máng uống.
Phương Đông
Có thể bạn quan tâm
CTTĐT - Những năm gần đây, phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi đang phát triển rộng khắp, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng...
Thời gian qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi. Theo đó, bằng các giải pháp nâng cao chất lượng con giống và công nghệ chăn nuôi, đồng thời cơ cấu lại công tác quản lý đã...
Bế tắc vì trồng rau không gặp thời, Nguyễn Văn Dũng (Đơn Dương, Lâm Đồng) chuyển sang nuôi thỏ và hiện sở hữu trang trại 4.500 con, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET