Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Tiếp sức cho hội viên nông dân làm giàu

Cập nhật: 17/07/2013

LSO-Bằng nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất kinh doanh, những năm qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã trở thành điểm tựa quan trọng trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn.


Nông dân xã Tràng Phái (Văn Quan) phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi dê

Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng trở thành động lực quan trọng góp phần giúp đỡ hội viên nông dân vươn lên, mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm xây dựng các mô hình kinh tế, các trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Ngô Văn Bằng, thôn Khòn Chuông, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan không giấu nổi niềm xúc động.  Những năm 2000 trở về trước, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh vô cùng khó khăn. Vợ làm ruộng, các con còn nhỏ và bố mẹ già yếu đau ốm quanh năm. Bản thân anh luôn đau đáu trong mình và có một khát khao thoát khỏi hoàn cảnh kinh tế khó khăn đó. Và rồi, theo phong trào phát triển kinh tế của xã, anh Bằng đã tìm hiểu công nghệ sản xuất gạch nén bê tông. Năm 2001- 2002, được sự giúp đỡ của HND, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư để xây dựng nhà xưởng và mua máy ép gạch, máy trộn bê tông cùng các thiết bị khác phục vụ cho sản xuất. Từ một máy sản xuất gạch ban đầu sản xuất thấy có hiệu quả, anh tiếp tục mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm 2 máy sản xuất gạch bê tông.... Đến nay, với 3 máy sản xuất, trung bình mỗi năm cơ sở gạch bê tông của anh sản xuất ra 15 vạn viên gạch, trừ tất cả chi phí cũng lãi được khoảng 200 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động có mức lương từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

Để giúp đỡ nông dân làm giàu, HND tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành hướng dẫn và hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, hội đã phối hợp với các ngành và cơ sở tổ chức được 571 buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 25.000 lượt người tham dự. Mở 12 lớp dạy nghề cho gần 400 lượt hội viên tập trung vào các lĩnh vực: cơ khí, chăn nuôi thủy sản, gia súc gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả…Bên cạnh đó, các cấp hội đã chủ động đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội dành trên 37,9 tỷ đồng giúp đỡ cho trên 2.000 hội viên nông dân vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Từ kiến thức đã được học, kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn ứng dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Từ đó xuất hiện nhiều cá nhân có mô hình sản xuất mới, cách làm hiệu quả với quy mô sản xuất lớn. Điển hình như: mô hình sản xuất kinh doanh giỏi của ông Hoàng Văn Thuận (xã Vân Nham, Hữu Lũng); ông Hoàng Văn Bách (xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng); bà Dương Thị Vinh (xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn)...

Theo ông Nông Quốc Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nông dân, HND tỉnh còn tích cực vận động các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo hội cơ sở đóng góp, ủng hộ cho Quỹ hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn Quỹ toàn tỉnh hiện có trên 13,6 tỷ đồng. Theo đó, hội đã thành lập ban điều hành tiến hành khảo sát địa bàn, đối tượng để đầu tư vốn đúng mục đích và khai thác được tiềm năng, lợi thế, sức lao động ở từng địa phương, kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hội viên đầu tư vốn đạt kết quả cao. Tính đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh đã triển khai cho 165 dự án phát triển sản xuất với gần 3.000 hộ nông dân tham gia.

Có thể khẳng định, từ sự hỗ trợ của HND đã tiếp sức cho hội viên nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có trên 64.000 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh giỏi các cấp, trong đó, nhiều mô hình của nông dân thu nhập từ 50- 200 triệu đồng/năm. Thông qua đây làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.

Trong thời gian tới, với tinh thần “Đoàn kết – đổi mới – sáng tạo – phát triển bền vững”, các cấp HND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên.

HỒ XUÂN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thanh Hóa: Nuôi gà khép kín với tiêu chí “chất, xanh và sạch”
Thanh Hóa: Nuôi gà khép kín với tiêu chí “chất, xanh và sạch”
Thanh Hóa: Nuôi gà khép kín với tiêu chí “chất, xanh và sạch”

(Người Chăn Nuôi) - Chăn nuôi khép kín đang là mô hình được nhiều địa phương nhân rộng bởi hiệu quả bền vững. Điển hình như mô hình nuôi gà của anh Lương Ngọc Lai, xã Luận Thành, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa).

Kiếm tiền từ nuôi gà Đông Tảo
Kiếm tiền từ nuôi gà Đông Tảo
Kiếm tiền từ nuôi gà Đông Tảo

Mất trắng 400 triệu đồng khi dự án nuôi gà Đông Tảo thất bại ngay lúc khởi động, anh Nguyễn Hữu Minh mới dần hiểu được đặc tính của loại gia cầm này để phát triển thành mô hình trang trại với số lượng lên tới cả nghìn con.

Thu 100 triệu đồng/tháng từ nuôi bồ câu
Thu 100 triệu đồng/tháng từ nuôi bồ câu
Thu 100 triệu đồng/tháng từ nuôi bồ câu

12/12/2013 07:20 Dân Việt - Chúng tôi thật ấn tượng khi đến thăm trại nuôi bồ câu Pháp của nữ cử nhân Trương Thị Thùy Nhung (32 tuổi), trú tại thôn 2A, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam).