Lớn lên ở nông thôn, nên Nguyễn Văn Dũng (thôn Châu Sơn, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) sinh năm 1976 đã lấy vợ khi mới bước qua tuổi 23. Lập gia đình sớm rồi có con, cuộc sống hai vợ chồng Dũng khá khó khăn dù đã được bố mẹ cắt đất cho làm riêng. Nguyên nhân là công việc trồng rau mang lại kết quả rất bấp bênh.
Không cam chịu, vợ chồng Dũng xoay qua làm vệ tinh tiêu thụ rau nhưng cũng không ổn vì luôn bị thâm vốn. Năm 2005 trong lúc túng quẫn, Dũng bàn với vợ mua 30 con thỏ giống để nhân đàn, tìm hướng làm ăn mới. Theo Dũng, thỏ sinh sản rất nhanh, mỗi năm một thỏ mẹ đẻ 5-6 lứa, mỗi lứa trừ hao hụt cũng còn trung bình 8 thỏ con, mà chuồng trại lại đơn giản.
Vì không có vốn, Dũng chặt cây quanh vườn làm nhà nuôi thỏ. Ban đầu mái trại là những tấm bạt mua theo mét, theo khổ giá rất rẻ. Để làm mát chuồng và che mưa nắng, Dũng phủ mái thêm một lớp rơm và trồng cây dây leo. Vừa làm vừa học, Dũng tranh thủ lên Đà Lạt vào các nhà sách tìm mua những cuốn sách mới về chăn nuôi, đặc biệt là thỏ để thu nhập kiến thức và thêm kinh nghiệm đã rút ra từ thực tế.
Năm 2007 khi đàn đã lên tới 1.000 con thì Dũng gặp sự cố vì thỏ bị bệnh xuất huyết truyền nhiễm rồi chết hết. Trắng tay, nhưng vì còn chuồng nên Dũng không nản chí. Lúc đó nhờ có em trai đang học Trung cấp nông nghiệp, chuyên ngành thú y ở Bảo Lộc nên Dũng tham khảo kiến thức từ cậu em và tiếp tục gây lại đàn thỏ.
Không phủ nhận kiến thức chuyên ngành, nhưng Dũng vẫn khẳng định thành công như hôm nay là nhờ kết hợp kiến thức sách vở và thực tế chăn nuôi vì có một vài bác sĩ thú y và bạn cùng học với em trai Dũng thấy anh làm được cũng phát triển đàn nhưng tỷ lệ thành công thấp.
|
Nguyễn Văn Dũng đang sở hữu trang trại thỏ 4.500 con.
|
Chị Nguyệt vợ Dũng cho biết, nuôi thỏ chơi thì dễ, nhưng nuôi kinh tế thì rất khó. Khi gầy dựng lại đàn thỏ được 1.000 con, hằng ngày sản lượng thỏ thịt bán không hết nên sau khi tính toán, dù không phải là đầu bếp, Nguyệt vẫn mạnh dạn mở quán bán thịt thỏ với dăm bảy món tại địa phương. Khách hàng chuộng nhất là 2 món cà ri thỏ và thỏ rôti. Mở quán được 2 năm và tìm được đầu ra tốt, hai vợ chồng quyết định nghỉ bán quán để tập trung nuôi thỏ thương phẩm.
Từ 3 năm nay, gia đình Dũng luôn duy trì đàn thỏ ở mức 4.000-4.500 con trên diện tích trại 700m2. Ngoài 2 vợ chồng trực tiếp chăm sóc, Dũng còn thuê thêm 2 lao động làm thường xuyên. Thức ăn cho thỏ ngoài cám gạo dùng ăn dặm thì vợ chồng Dũng dành ra một ha đất để trồng cỏ nuôi thỏ. Dũng cho biết đàn thỏ của anh mỗi ngày tiêu thụ một tấn cỏ tươi. Mùa nắng cỏ được trồng kín trên diện tích một ha, còn 6 tháng mùa mưa cỏ phát triển rất nhanh nên chỉ trồng 7.000m2, 3.000 m2 còn lại canh tác các loại rau thương phẩm.
Nuôi thỏ khâu quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại và giữ ấm cho đàn. Trung bình hàng ngày phải xịt rửa nền chuồng 2 lần. Trại thỏ của Dũng ngoài cung cấp thỏ thịt còn được nhiều người tìm tới mua thỏ giống về nuôi với giá 140.000 đồng một kg. Thỏ thịt được các nhà hàng quán ăn đặt mua, trung bình mỗi ngày trại xuất chuồng 15 thỏ thịt, với số lượng 35-37kg, lúc cao điểm có ngày xuất với số lượng cả trăm con.
Thỏ nuôi được 4,5 tháng đạt trọng lượng từ 2,3 đến 2,5kg mỗi con là Dũng xuất chuồng. Thịt thỏ sau khi giết mổ, anh giao cho khách với giá 130.000 đồng một kg, trung bình một con thỏ sau khi giết mổ thu được 230.000 đồng.
Dự định sắp tới của Dũng là sẽ phát triển gấp đôi đàn thỏ, đăng ký thương hiệu trại và đầu tư nuôi theo tiêu chuẩn Gap. Thị trường tiêu thụ được Dũng nhắm tới là các siêu thị và TP HCM. Anh tiết lộ từ 3 năm nay kinh tế gia đình khấm khá là nhờ đàn thỏ này, tuy có làm thêm rau nhưng giá cả bấp bênh, riêng đàn thỏ sau khi trừ mọi chi phí mỗi tháng lãi từ 50 đến 60 triệu đồng.
Quốc Dũng