Đàn bò 3B của anh Trần Hữu Vũ ở xã Triệu Trạch, Triệu Phong đang được chăm sóc tốt - Ảnh: L.A
Nhằm khai thác tiềm năng đất đai, ưu thế của giống bò mới, cũng như dư địa của địa phương về phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình nuôi bò thịt thâm canh sử dụng giống bò BBB (3B) và đã mang lại hiệu quả cao.
Mô hình được thực hiện tại xã Gio Châu, huyện Gio Linh và xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong với quy mô 10 con/hộ. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ bò giống có trọng lượng ban đầu từ 180 – 200 kg/con; 50% chi phí mua thức ăn tinh bột. Đồng thời tư vấn, tập huấn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước, trồng hoa màu kém hiệu quả của gia đình sang trồng cỏ voi, ngô sinh khối.
Nguồn thức ăn này ngoài sử dụng làm thức ăn thô xanh cho bò còn được hướng dẫn ủ chua lên men kết hợp với rơm khô và các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương để làm thức ăn dự trữ cho bò trong những thời điểm hạn hán và mưa rét kéo dài. Các kỹ thuật này được hộ thực hiện mô hình triển khai với quy trình chặt chẽ giúp bò phát triển nhanh, ít dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Trần Hữu Vũ ở tại thôn Linh An, xã Triệu Trạch, một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình cho biết, so với giống bò cỏ địa phương hay bò lai Zebu thì giống bò 3B là giống bò ngoại có trọng lượng lớn, tăng trọng nhanh, chống chịu tương đối tốt với dịch bệnh; đặc biệt, bò 3B có tỉ lệ thịt xẻ cao nên rất được thương lái ưa chuộng.
Anh Vũ cho biết, nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ chăm sóc, tiêm phòng vắc xin, chống nóng; cho ăn đầy đủ dinh dưỡng bao gồm thức ăn thô xanh, thức ăn công nghiệp có độ đạm cao, thức ăn ủ lên men, nên bò tăng trọng nhanh hơn so với các giống bò khác, trung bình hơn 30 kg/con/tháng. Trọng lượng bò sau 10 tháng nuôi đạt bình quân khoảng 520 kg/con. Với giá bán hiện tại khoảng 83.000 đồng/kg hơi, ước tính doanh thu của mô hình đạt trên 430 triệu đồng, trừ chi phí mang lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo anh Vũ, so với các giống bò khác thì hiện nay suất đầu tư một con bò 3B đang còn khá cao. Ngoài bò giống có giá khoảng 30 triệu đồng mỗi con thì chi phí thức ăn cho bò cũng tương đối cao. Do đây là giống bò có tốc độ tăng trưởng nhanh nên thức ăn phải đảm bảo dinh dưỡng, năng lượng cao.
Thức ăn của bò 3B chủ yếu là cỏ và cám, bột ngô, còn phải bổ sung thêm thức ăn công nghiệp có độ đạm cao. Lượng thức ăn tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của bò nhưng ngoài thức ăn thô xanh thì bình quân lượng thức ăn công nghiệp cho bò ăn hết khoảng 2 kg/ngày. Dù giống bò này nuôi nhốt chuồng, không cần nhiều nhân công chăm sóc, nhưng để chủ động nguồn thức ăn cho bò, nhất là vào mùa đông, cần phải ủ sẵn cỏ, ngô sinh khối có thể tích trữ từ 4 – 5 tháng.
Bên cạnh đó, nuôi giống bò này phải tuân thủ nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ theo quy định, tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. “Do suất đầu tư lớn nên nếu hộ nào không có điều kiện thì rất khó có thể nuôi được”, anh Vũ lưu ý.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn, bò 3B là giống bò thịt cao sản có nguồn gốc từ Bỉ. Đối với bò 3B thuần chủng thì sau 18 – 24 tháng có thể đạt trọng lượng từ 1 – 1,2 tấn/con. Riêng đối với con lai giữa bò 3B với bò lai sind thì có thể đạt 5,5 – 6 tạ mỗi con, tỉ lệ thịt xẻ đạt trên 65%. Vì là giống bò siêu thịt, nên khi nhân giống phải chọn những con bò mẹ có kích thước lớn, khi chăn nuôi đòi hỏi phải cung cấp thức ăn nhiều hơn.
Trong quá trình nuôi, người chăn nuôi cần phải cung cấp thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cho bò một cách đầy đủ để đảm bảo sự phát triển. Ông Cẩn cho biết, tại 2 điểm thực hiện mô hình, sau 10 tháng nuôi, bò đạt trọng lượng bình quân khoảng 5 – 5,5 tạ/con. Dự kiến sau khoảng 12 – 15 tháng nuôi, bò đạt trọng lượng khoảng 7 – 8 tạ/con sẽ xuất bán. Hiện cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông đang hướng dẫn hộ thực hiện mô hình triển khai các biện pháp chống rét để đảm bảo đàn bò sinh trưởng tốt.
Cũng theo ông Cẩn, thực hiện chủ trương cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò chương trình sind hóa đàn bò, từ giống bò địa phương chủ yếu nuôi làm sức kéo, tầm vóc nhỏ, sản lượng thịt thấp, chưa phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên canh đã dần được thay thế bằng giống bò Zebu, giống bò chất lượng cao.
Người dân bắt đầu chú ý đến việc chăn nuôi để phát triển kinh tế và đàn bò của tỉnh bắt đầu được tăng dần qua từng năm. Đến nay tổng đàn bò toàn tỉnh đạt trên 55.000 con. Từ không có con bò lai nào, đến nay đã đạt 69,68% tổng đàn.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông đã tập trung thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, trong đó sử dụng tinh bò chuyên thịt nhập ngoại và ưu tiên giống bò 3B. Đến nay đã phối giống thành công cho gần 15.600 con bò nái lai Zebu 50 – 75% máu ngoại, mỗi năm cho ra đời hơn 4.000 con bê lai có ưu điểm tăng trọng nhanh, trọng lượng lớn, ưu thế lai nổi trội, phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại các địa phương trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với bò lai Zebu.
“Trong điều kiện môi trường chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp thì mô hình chăn nuôi bò 3B là hướng đi thực sự hiệu quả và thiết thực. Thông qua mô hình từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp”, ông Cẩn khẳng định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc cho biết, ngành nông nghiệp xác định bò thịt là một trong những đối tượng nuôi chủ lực với định hướng đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ phát triển đàn bò lên 70.000 con và tăng tỉ lệ lai Zebu trên 70% tổng đàn.
Cùng với chương trình cải tạo tầm vóc đàn bò bằng việc lai tạo với các giống bò ngoại, phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh; thực hiện nuôi nhốt tại chuồng, áp dụng các quy trình kỹ thuật mới, cho ăn thức ăn thô xanh kết hợp sử dụng thức ăn tinh để đảm bảo sức tăng trọng, ngành nông nghiệp đang cùng với các địa phương tập trung chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây cung cấp thức ăn cho chăn nuôi để phát triển kinh tế bền vững.
Đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi bò thịt thâm canh nói riêng. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo đầu ra và giá cả ổn định.
Lê An
Nguồn: Báo Quảng Trị
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật: 10/24/2013 4:48:49 PM (GMT+7) L.B -Thứ Năm, 24/10/2013, 10:56 (GMT+7) Từ ngày 25 - 28/10/2013, Hội chợ chăn nuôi - thú y - thủy sản TP Hà Nội lần thứ nhất năm 2013 sẽ diễn ra tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại,...
Ngày 08.11.2013, 07:20 (GMT+7) SGTT.VN - Trong sự bất an thường trực về an toàn vệ sinh thực phẩm, gần đây nỗi lo này hướng vào các loại trứng gia cầm có cấu tạo và hình dáng bất thường. Đó là trứng có hai lòng đỏ, kích thước gấp đôi bình...
(Người Chăn Nuôi) - Việc tìm kiếm các giải pháp phòng chống nóng cũng như bổ sung dinh dưỡng phù hợp giúp gà đẻ trứng đạt hiệu quả cao ngay cả trong mùa nắng nóng.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET