Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Cao Phong (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã cải tạo chuồng trại, chuyển chăn nuôi lợn sang chăn nuôi bò thịt. Ảnh: Lê Bền
Thất thường về giá, rủi ro về dịch bệnh nên phong trào chuyển đổi từ chăn nuôi lợn, gia cầm sang chăn nuôi bò, nhất là bò thịt đang lên ngôi ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Khổng Tiến Nho, một chủ hộ chăn nuôi điển hình ở thôn Dạn, xã Cao Phong (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) không ngại khoe rằng, nhờ vào chăn nuôi bò mà gia đình ông có tới 7 nhân khẩu vẫn sống ổn, lo chu toàn cho 4 đứa con ăn học tử tế, thậm chí còn có tiền mua được cả ô tô con, mua đất...
Ông Nho phân tích, nuôi bò chỉ cần có đất trồng cỏ, nguồn phân chuồng quay ngược trở lại bón cho cỏ nên gần như “tự nó nuôi nó”, chẳng cần chi phí thức ăn, gần như không bị dịch bệnh, giá bò lại luôn ổn định, chứ không phập phù như nuôi lợn hay gia cầm... Chính vì thế mà đến nay, gia đình ông đã có thâm niên hơn 20 năm gắn với nghề nuôi bò.
Trước đây, gia đình ông thường nuôi bò thịt vỗ béo 1 - 2 tháng để xuất bán. Tuy nhiên thời gian qua, cùng với việc nhu cầu chăn nuôi bò trên địa bàn ngày càng lớn, ông đã chuyển sang nuôi thường xuyên từ 10 - 15 con bò nái. Hiện nay, giá bê con nuôi 6 tháng, trung bình xuất bán tại địa phương có giá từ 14 - 16 triệu đồng, có lãi rất tốt.
Ông Nho cho biết những năm trước, bên cạnh nuôi bò, gia đình ông còn kết hợp 3 ô chuồng để nuôi lợn. Tuy nhiên từ năm 2019, đợt dịch tả lợn Châu Phi đã càn quét đàn lợn trong xã, gia đình ông đã bỏ hẳn nuôi lợn, cải tạo 3 dãy chuồng nuôi lợn chuyển sang nuôi bò.
Theo UBND xã Cao Phong, những năm gần đây, do chăn nuôi gia cầm và lợn giá cả rất phập phù, lại rủi ro lớn về dịch bệnh, đầu tư lớn nên phong trào phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ trong xã, nhất là chăn nuôi bò phát triển mạnh. Đến nay, toàn xã đã có tổng đàn bò gần 2.400 con, và là một trong số các vùng chăn nuôi bò lớn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Cùng với xã Cao Phong của huyện Sông Lô, hiện đàn bò thịt cũng đã phát triển mạnh tại nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc như các xã Phú Đa, Tuân Chính (huyện Vĩnh Tường)..., cũng như đang phát triển rộng tại nhiều địa phương.
Tại xã Nghĩa Hưng (huyện Vĩnh Tường), bên cạnh phong trào chăn nuôi trâu - bò thịt nhỏ lẻ với tổng đàn toàn xã khoảng 600 con, hiện một số mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt tập trung, quy mô lớn cũng đã bước đầu được đầu tư mở rộng.
Trang trại bò nái sinh sản của HTX Nông nghiệp hữu cơ Sơn Thành (xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ảnh: Lê Bền
Đang làm trong lĩnh vực xây dựng, song từ năm 2015, anh Khổng Minh Tuân ở xã Nghĩa Hưng đã quyết định trở về quê nhà thuê 3ha đất màu tập trung, thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ Sơn Thành. Nhận thấy trồng màu giá trị không cao, từ năm 2019, anh Tuân đã quyết định đầu tư chuồng trại, con giống với số vốn gần 500 triệu đồng để chuyển sang chăn nuôi bò nái sinh sản. Anh cũng thuê hơn 5ha đất màu kế cận để trồng cỏ nuôi bò.
Từ năm 2019 đến nay, trang trại của anh cao điểm có trên 100 con bò nái, và đang có kế hoạch mở rộng đàn bò nái với các giống bò như lai Sind, Brahman, cung cấp các bê giống BBB cho nhu cầu của người nuôi trên địa bàn tỉnh.
Anh Tuân đánh giá: “Hiện mỗi con bò nái có giá từ 35-40 triệu đồng, sau khi phối giống, được cơ quan thú y ký xác nhận mang thai, nếu hộ có nhu cầu mua bò nái đã có thai thì giá tăng thêm khoảng 10 triệu đồng/con. Nếu bò nái đẻ ra bê con, bê nuôi thêm từ 4 - 6 tháng, bán với giá từ 15 - 16 triệu đồng".
Anh Khổng Minh Tuân cho biết thêm, HTX cũng đang đầu tư trang trại nuôi tân đáo bò sữa tại vùng chăn nuôi bò sữa xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường). Bò cái (8 tháng tuổi) được nhập từ Củ Chi (TP. HCM), sau đó nuôi thêm từ 4 - 6 tháng để phối giống và bán cho các trang trại chuyên chăn nuôi bò sữa trong vùng. Anh tiết lộ, mỗi bò sữa nhập về từ TP. HCM có giá khoảng 27 triệu, sau khi nuôi thêm 4 - 6 tháng và phối giống, được bán với giá từ 35 - 40 triệu đồng.
Lê Bền / Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Thứ tư, 5/3/2014 02:00 GMT+7 Là chủ trang trại nuôi heo lớn ở Biên Hòa, nhưng công việc chiếm nhiều thời gian của ông Nguyễn Trí Công lại là ngồi trước máy tính pha chế thức ăn.
(Người Chăn Nuôi) - Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là yếu tố cốt lõi thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.
Chủ nhật, 25/5/2014 | 02:25 GMT+7 Từ một triệu đồng mua cặp gà rừng về nuôi, sau hơn một năm ông Sâu Zuôn Nam làng Kà Xiêm, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh (Bình Định) thu lãi gần 20 triệu đồng.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET