Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Vịt biển - hướng đi tiềm năng

Cập nhật: 09/01/2021, 22:38:44

(Người Chăn Nuôi) - Trong chăn nuôi, lựa chọn vật nuôi để phát triển trên vùng đất cát ven biển gặp rất nhiều khó khăn, bởi thời tiết và sinh thái vùng ven biển khiến vật nuôi rất khó thích ứng. Nuôi vịt biển đang là đối tượng được triển khai giúp người nuôi phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương, gắn với bảo vệ môi trường.

Chuồng nuôi

Chuồng nuôi nên làm đơn giản, không cần kiên cố nhưng phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không bị mưa hắt, nắng không chiếu vào ổ đẻ. Có thể làm bằng lưới, tre, lá hoặc làm chuồng sàn trên ao hồ. Nền chuồng có thể lát gạch, xi măng + cát không được lát gạch hoa và đánh bóng, có thể làm nền bằng cát. Sử dụng độn chuồng bằng trấu hoặc mùn cưa, rơm rạ băm nhỏ nhưng không bị hôi mốc.

Thức ăn
Có thể sử dụng gạo, thóc, bắp, tấm, cám, cá tép, cua, ốc, rau bèo… hoặc sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên. Tuy nhiên, nuôi vịt nên tận dụng các loại thức ăn mà địa phương sẵn có để hạ giá thành. Có thể thúc vịt đẻ bằng thức ăn hỗn hợp.

Chăm sóc nuôi dưỡng
Giai đoạn vịt con: Trước khi đưa vịt xuống chuồng nuôi thì chuồng nuôi phải được sưởi ấm, phải đảm bảo không có gió lùa. Nhiệt độ chuồng nuôi khi vịt từ 1 - 3 ngày tuổi phải đạt 28 - 32oC, từ ngày tuổi thứ 4 trở đi mỗi ngày giảm 1oC cho tới khi đạt 25oC. Mỗi quây vịt con nhốt từ 50 - 100 con là phù hợp. Khi vịt con đi lại bình thường và tản đều trong quây hoặc trong chuồng là nhiệt độ chuồng nuôi đảm bảo.

Dùng thức ăn hỗn hợp dạng viên hoặc gạo nấu thành cơm và trộn với thức ăn giàu đạm cho vịt ăn; sau 2 tuần có thể cho vịt ăn tấm, bắp, cám gạo trộn với thức ăn đạm tươi như: Tôm, tép, cua, ốc, giun đất, và các loại côn trùng khác. Trước khi cho vịt ăn phải dọn sạch máng, quét bỏ những thức ăn thừa, hôi, thối và mốc, cho vịt ăn làm nhiều lần trong ngày để tránh rơi vãi và ôi chua, tách những con nhỏ cho ăn riêng để vịt phát triển đồng đều.

Khi nuôi vịt theo phương thức nuôi khô không có nước bơi lội, chỉ dùng nước cho vịt uống nhưng bản tính của vịt vẫn sử dụng nước uống để vẩy lên mình, cho nên lượng nước phải tăng gấp đôi so với nhu cầu nước uống và nước trong máng uống sẽ nhanh bẩn, do vậy phải cấp đủ và thay nước thường xuyên để đảm bảo nước uống luôn sạch sẽ. Ở giai đoạn này, máng ăn vẫn để trong chuồng nuôi còn máng uống bố trí ở sân chơi để tránh bị ướt chuồng. Máng uống nước không để quá xa nơi vịt ăn.

Giai đoạn vịt hậu bị (từ 9 - 19 tuần tuổi): Từ 9 tuần tuổi đến trước khi vịt đẻ 5 tuần nên sử dụng ánh sáng tự nhiên. Sau đó tăng dần thời gian chiếu sáng cho vịt như sau: Trước khi đẻ 4 - 5 tuần đảm bảo thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày. Sau đó, mỗi tuần tăng 1 giờ cho tới khi đạt mức thời gian chiếu sáng 16 - 18 giờ/ngày.

Cho vịt ăn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Nếu cho ăn thêm rau xanh thì cho ăn sau khi cho ăn thức ăn tinh. Trong giai đoạn này, để đảm bảo cho vịt có độ đồng đều cao về khối lượng nên định kỳ kiểm tra khối lượng vịt bằng cách cân để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, những con quá to hoặc quá nhỏ có thể nhốt riêng và cho ăn riêng.

Nếu nuôi nhốt trên khô hoặc nuôi khô trong vườn thì cần phải cung cấp nước uống đầy đủ, thường xuyên, sạch sẽ. Nhu cầu nước uống cho vịt mỗi ngày là 0,5 - 0,6 lít/con.

Chú ý: Trước khi kết thúc giai đoạn vịt hậu bị 2 tuần tiến hành chọn lọc những con đạt tiêu chuẩn giống đưa vào nuôi sinh sản. Ðối với quy mô nhỏ: nên chọn tỷ lệ vịt trống/mái là 1/5 - 1/6; Quy mô lớn: tỷ lệ vịt trống/mái là 1/6 - 1/7

Giai đoạn sinh sản: Nhiệt độ thích hợp nhất đối với vịt đẻ là 16 - 24oC và ẩm độ là 60 - 70%. Chuồng nuôi và ổ đẻ phải luôn khô ráo và sạch sẽ. Trong suốt giai đoạn vịt đẻ cần thời gian chiếu sáng mỗi ngày 16 - 18 giờ. Thời gian chiếu sáng không đảm bảo sẽ làm giảm năng suất trứng. Cường độ chiếu sáng là 5 w/m2.

Chuyển từ thức ăn vịt hậu bị sang thức ăn vịt đẻ phải được tiến hành 2 tuần trước khi vịt đẻ, tăng lượng thức ăn lên 10%; khi vịt đẻ quả trứng đầu tiên tăng lượng thức ăn lên 15%; khi đẻ tăng dần lượng thức ăn sao cho 7 ngày sau trở đi vịt ăn tự do theo nhu cầu, phải đổ thức ăn làm nhiều lần trong ngày để thức ăn không bị tồn đọng ở máng ăn.

Nhu cầu nước uống giai đoạn sinh sản từ 0,6 - 0,7 lít/con/ngày. Khi để máng uống ở ngoài chuồng nuôi vào mùa hè phải che máng uống, tránh để vịt uống nước nóng, thường xuyên thay nước uống cho vịt. Trong thời gian vịt đẻ cần loại bỏ những con vịt mái bị rụng lông ở cánh, ở đuôi quá sớm hoặc những con có màu mỏ và chân vàng hơn những con vịt mái đẻ khác vì đây là những con vịt cho năng suất kém. Thông thường, vịt đẻ tập trung vào thời gian 3 - 5 giờ hàng ngày. Vì vậy, trứng được thu nhặt từ 6 - 7 giờ sáng.

PGS. TS Phạm Ngọc Thạch
Học viện Nông nghiệp Việt Nam


Có thể bạn quan tâm

Thoát nghèo nhờ chăn nuôi giỏi
Thoát nghèo nhờ chăn nuôi giỏi
Thoát nghèo nhờ chăn nuôi giỏi

Tuổi đời mới vừa tròn 37 nhưng anh Nguyễn Trung Tiếp ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức đã có đến hơn 10 năm kinh nghiệm trong nuôi heo sinh sản. Nhờ vậy mà từ một gia đình nghèo khó, giờ đây anh Tiếp đã có “của ăn của để”,...

Những sự thật về trang trại bò lớn nhất thế giới
Những sự thật về trang trại bò lớn nhất thế giới
Những sự thật về trang trại bò lớn nhất thế giới

Mudanjiang City Mega Farm nằm ở tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc là trang trại bò sữa lớn nhất thế giới hiện nay, có thể sản xuất 800 triệu lít sữa mỗi năm. Dưới đây là những sự thật thú vị về trang trại này.

Trại gia cầm xứ Lạng
Trại gia cầm xứ Lạng
Trại gia cầm xứ Lạng

Sau thời gian dài kiên trì tìm hướng đi mới với việc trồng trọt, chăn nuôi, ông Đỗ Mạnh Lai (52 tuổi, xã Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) hiện có cả nghìn con vịt trời, gà H'mông, gà 6 ngón, lợn rừng... trên diện tích 1,5ha.