Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Xu hướng chăn nuôi hữu cơ

Cập nhật: 06/03/2021, 15:58:01

(Người Chăn Nuôi) - Trong những năm gần đây, chăn nuôi hữu cơ (CNHC) trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến đáng kể, góp phần vào sự thành công của nền nông nghiệp hữu cơ toàn cầu. Vai trò của CNHC ngày càng được khẳng định và đây là xu hướng tất yếu, không thể thay thế ở mọi quốc gia.
Nhiều lợi ích

Chăn nuôi hữu cơ (CNHC) là loại hình chăn nuôi chủ yếu sử dụng thức ăn từ tự nhiên, ít chất phụ gia. Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm sạch, chăn nuôi hữu cơ chủ yếu dựa vào việc quay vòng chất dinh dưỡng từ những sản phẩm dư thừa như phân động vật, phế phụ phẩm… để cung cấp chất dinh dưỡng giúp vật nuôi phát triển. Với đặc điểm như vậy, CNHC là mô hình có thể giải quyết các thách thức mà cả thế giới phải đối mặt như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không bền vững...Trong CNHC, người nuôi có thể lựa chọn đa dạng giống vật nuôi, kết hợp với quy trình chăn nuôi gắn với tự nhiên qua đó góp phần vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ nguồn gen quý của các quốc gia. Cùng đó, CNHC còn tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, với môi trường sinh thái, với vật nuôi và các mối quan hệ khác. CNHC không chỉ bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của vật nuôi mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, lợi nhuận cho người sản xuất và tính bền vững của môi trường. Bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và tính bền vững của hệ thống nông nghiệp, giúp tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nguồn nước, đất đai, không khí... qua đó góp phần làm giảm tốc độ của tình trạng nóng lên toàn cầu. Có thể nói, CNHC là cách tiếp cận bền vững vì nó không những tạo sinh kế, cơ hội việc làm và thu nhập ổn định lâu dài cho các hộ nông dân quy mô vừa và nhỏ mà còn giúp họ được làm việc trong một môi trường kinh tế xã hội an toàn.

Đặc điểm cơ bản của chăn nuôi hữu cơ

So với chăn nuôi truyền thống thì CNHC có năng suất thấp hơn nhưng chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Bảng: So sánh một số chỉ tiêu giữa chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi truyền thống

Công tác giống: Theo quy định của Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM International Federation of Organic Agriculture Movements), công tác chọn vật nuôi phải được coi trọng hàng đầu. Trong CNHC, con giống cần có xuất xứ rõ ràng từ các trang trại được công nhận đã áp dụng quy trình sản xuất giống theo hướng hữu cơ. Không sử dụng con giống từ các cơ sở sản xuất giống thông thường.

Thức ăn, dinh dưỡng: Tương tự như con giống, nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho vật nuôi hữu cơ phải có xuất sứ rõ ràng, có thể truy xuất nguồn gốc. Không được phép sử dụng ngũ cốc biến đổi gen, kháng sinh, các chất hóa học bị cấm như chất kích thích sinh trưởng, chất tạo nạc, chất bảo quản, chất tạo màu...

Công tác quản lý, chăm sóc vật nuôi: Khuyến khích phát triển trang trại chăn nuôi theo hướng hoàn toàn khép kín, tự cung tự cấp, chăn thả tự nhiên. Hạn chế nuôi nhốt, giảm thiểu căng thẳng cho vật nuôi. Trong công tác phòng trừ bệnh cần hạn chế tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh, các loại hóa chất, thuốc thú y có hại cho vật nuôi và người tiêu dùng. Đảm bảo các quy định về mật độ chăn nuôi, nhiệt độ, ẩm độ, độ thông thoáng, các quy định về giết mổ để đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến phúc lợi vật nuôi.

Thành tựu của CNHC
CNHC đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia thế giới khi áp lực về lương thực giảm, áp lực vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Dữ liệu mới nhất về nông nghiệp hữu cơ toàn thế giới vừa được Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ (FiBL) và IFOAM công bố cho thấy đến hết năm 2020 lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ nói chung và chăn nuôi hữu cơ nói riêng đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với mức 11,8%/năm, tổng giá trị ước đạt 117 tỷ USD, trong đó phần lớn là sản phẩm trồng trọt hữu cơ (91,5%), sản phẩm CNHC còn ở mức khiêm tốn 3,4% tương đương giá trị trên 4 tỷ USD. Các nước châu Âu vẫn là khu vực có nền CNHC phát triển cả về số lượng cũng như giá trị. Khu vực này có tổng đàn trâu, bò hữu cơ đạt gần 9 triệu con (chiếm 8,8% tổng đàn), đàn cừu 5,9 triệu con (chiếm 9,6% tổng đàn), đàn heo đạt 1,6 triệu con (chiếm 0,6% tổng đàn) và gia cầm 20,7 triệu con (chiếm 10,3% tổng đàn). Đối với ong mật, hiện có 3,9 triệu đàn ong trên thế giới được chứng nhận là ong hữu cơ, chiếm 3,8% tổng đàn ong, trong đó 45% của các nước Mỹ Latinh, 30% của châu Âu và 9% của châu Á. Nước có số lượng đàn ong hữu cơ lớn nhất là Brazil (gần 1 triệu đàn) tiếp theo là Zambia (0,45 triệu đàn) và Mexico (0,42 triệu đàn). Trong giai đoạn 2017 - 2020, 3 nước có tốc độ tăng trưởng về nuôi ong hữu cơ lớn nhất đó là Brazil, Trung Quốc và Zambia.

Tại Việt Nam, thời gian qua, các sản phẩm của ngành chăn nuôi như vịt, heo thịt, bò sữa… đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ chức quốc tế đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Điển hình như Tập đoàn TH, hiện đang vận hành trang trại bò sữa hữu cơ với số lượng 1.000 con. Để có đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, Tập đoàn TH đã đầu tư cánh đồng cỏ và ngô hữu cơ hơn 300 ha tại tỉnh Nghệ An. Đây là một bước tiến vượt bậc của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước, đồng thời cũng là động lực phát triển đàn bò cả nước theo hướng hữu cơ, tăng thu nhập cho người chăn nuôi bò, giảm chi phí sản xuất và có thể duy trì đàn bò ổn định.

Theo Bộ NN&PTNT, tỷ lệ sản phẩm CNHC đạt khoảng 1 - 2% so với tổng sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm chăn nuôi tiềm năng, đã được chứng nhận hữu cơ và được ưu tiên như sữa, mật ong, yến sào, thịt gia súc gia cầm... Hiện có 15 tỉnh, thành có mô hình chăn nuôi heo hữu cơ với quy mô trên 75 ngàn con, sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn, 12 tỉnh, thành có mô hình chăn nuôi gà hữu cơ với quy mô khoảng 273 ngàn con, sản lượng thịt hơi gần 1000 tấn; 2 tỉnh (Nghệ An và Lâm Đồng) được các tổ chức quốc tế công nhận có mô hình nuôi bò hữu cơ với quy mô 3.500 bò sữa. Riêng với ong mật, Việt Nam có tổng số 1,4 triệu đàn với sản lượng mật đạt khoảng 55.000 tấn trong đó 90% được xuất khẩu. Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu mật ong thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á tuy nhiên nuôi ong hữu cơ chưa phát triển nhiều, chủ yếu vẫn là mật ong truyền thống. Tuy nhiên, thời gian qua đã có một số cơ sở bắt đầu áp dụng nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP, đây được xem là tiền đề tiến tới nuôi ong hữu cơ.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan
Giảng viên cao cấp, Đại học Nông lâm Thái Nguyên


Có thể bạn quan tâm

Thành công từ nuôi gà công nghiệp
Thành công từ nuôi gà công nghiệp
Thành công từ nuôi gà công nghiệp

Hiếm có một trang trại gà nào lớn như trang trại của anh Vũ Năng Thành ở thôn Quang Trung, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng. Với 15.600m2, anh Thành đã trở thành hộ chăn nuôi gà quy mô lớn nhất huyện...

Châu Á: Tiêu thụ thịt gà sẽ lập đỉnh?
Châu Á: Tiêu thụ thịt gà sẽ lập đỉnh?
Châu Á: Tiêu thụ thịt gà sẽ lập đỉnh?

Lạm phát và suy thoái kinh tế đang thúc đẩy người tiêu dùng Nhật Bản chuyển từ các loại thịt đắt đỏ như thịt bò sang protein giá rẻ hơn như thịt gà. Xu hướng này sẽ xuất hiện ở các nước châu Á khác và tác động đến hoạt...

4 công nghệ tối ưu hóa quy trình cho heo ăn
4 công nghệ tối ưu hóa quy trình cho heo ăn
4 công nghệ tối ưu hóa quy trình cho heo ăn

(Người Chăn Nuôi) - Hệ thống thông minh là một cách tiếp cận sáng tạo dựa trên việc sử dụng tích hợp và chuyên sâu những tiến bộ gần đây để theo dõi, kiểm soát tự động và liên tục các quy trình cho heo ăn.