Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Xử lý bệnh đóng dấu heo

Cập nhật: 24/04/2021, 14:36:27

Diễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVET

Xử lý bệnh đóng dấu heo
Chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát giúp heo khỏe mạnh, tăng sức đề kháng

(Người Chăn Nuôi) - Bệnh đóng dấu là một bệnh truyền nhiễm với đặc trưng lâm sàng là chết đột ngột, sốt cao với những mảng xung huyết, mẩn đỏ định hình trên da, heo bị viêm khớp.

Nguyên nhân

Bệnh do vi khuẩn Erysipelothrix Rhusiopathiae gây ra. Vi khuẩn có hình que bắt màu gram dương (+). Chúng tồn tại trong đất từ những nguồn nhiễm từ phân, nước tiểu của gia súc bệnh hay gia súc mang trùng có sẵn trong niêm mạc họng, amidan và mũi heo. Khi gặp điều kiện thuận lợi như tiết nắng nóng, oi bức, độ ẩm cao thì vi khuẩn sẽ gây bệnh.

Dịch tễ bệnh

Loài mắc bệnh: Trong thiên nhiên loài heo dễ nhiễm bệnh nhất, loài chim cũng có thể mắc bệnh này, bệnh còn lây sang cả người. Bệnh thường phát vào vụ đông xuân tháng 10 - 11 hay vào mùa hè thời tiết nóng bức, khí hậu thay đổi đột ngột, chuồng nóng sức khỏe heo giảm sút.

Cách lây lan: Bệnh có thể lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước, các chất bài tiết hoặc do vận chuyển, mổ thịt các loài vật mắc bệnh. Bệnh xảy ra mang tính đột ngột và lây lan chậm.

Cơ chế sinh bệnh: Vi khuẩn có thể có sẵn trong cơ thể heo hoặc từ ngoài vào và chỉ gây bệnh khi sức đề kháng của cơ thể kém. Vi khuẩn qua vết thương ở ống tiêu hóa, hầu, ruột, hạch hạnh nhân (amidan) vào hạch lâm ba rồi từ đó vào huyết quản, vào máu, vào bộ máy tuần hoàn gây bại huyết. Vi khuẩn phát triển trong máu, độc tố của chúng phá hoại thành huyết quản, gây tụ máu, ứ máu, vết đỏ trên da…

Triệu chứng

Thể quá cấp: Thể quá cấp thường được gọi là “đóng dấu trắng” ít khi gặp và nếu xảy ra thì thường gắn liền với việc san đàn, chuyển chuồng, vận chuyển xa hoặc ở các trại chăn nuôi ẩm thấp, tối tăm, ngột ngạt, hoặc hay dùng nước ao tù trong chăn nuôi. Bệnh xảy ra đột ngột với triệu chứng sốt nhanh và rất cao: 42 - 430C. Heo bị bệnh hết sức mệt mỏi, da trắng bệch và bệnh kéo dài chỉ từ vài giờ đến một ngày là kết thúc bằng cái chết, do đó gọi là đóng dấu trắng.

Thể cấp tính: Bệnh đóng dấu thể cấp tính thường xuất hiện ở heo vỗ béo từ 3 - 5 tháng tuổi, dưới tác động trực tiếp các yếu tố stress như nóng quá, ngột ngạt, ẩm thấp, vận chuyển, thay đổi thời tiết, thức ăn, nước uống đột ngột hoặc heo khát lâu do thiếu nước…. Bệnh cũng xuất hiện bất ngờ với triệu chứng sốt nhanh và rất cao từ 42 - 430C. Heo suy sụp nhanh, bỏ ăn, nằm bẹp. Một số con nôn mửa hoặc phản xạ nôn mửa, bí tiểu và đại tiện, viêm mí mắt yếu chân và phần mông sau. Sau 2 - 3 ngày thì xuất hiện từng đám đỏ ở khắp da nhất là vùng lưng, vai và da mềm (vùng bụng, bẹn háng, tai, cổ…). Khi ấn ngón tay mạnh vào các đám da đỏ đó thì màu đỏ bị biến mất, trở nên tái nhợt trong một thời gian rất ngắn rồi trở lại đỏ ngay, điều này ngược lại với triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng. Khi vi khuẩn đã khu trú ở tim và ở phổi, ta thấy heo thở dốc rất khó khăn, tim đập mạnh, lúc đó các đám da đỏ đã chuyển màu sang thâm. Nếu bệnh không được chữa trị kịp thời thì 50 - 85% sẽ chết sau vài ba ngày, số ít còn lại chuyển sang dạng bệnh mãn tính.

Thể mãn tính: Đặc trưng với các nốt son chuyển thành các nốt viêm loét hoại tử da điển hình ở lưng, hai bên vai, mông và chân. Heo bệnh từ từ giảm sốt từ 42 - 430C xuống 41 - 41,50C hoặc thấp hơn. Các nốt loét da có hình vuông, hình bình hành, hình thoi, ít khi có hình tròn với khích thước khác nhau từ 1 đến 10 cm2, đôi chỗ các nốt dấu liền dính lại với nhau tạo thành mảng lớn. Một số heo bệnh do viêm tim thì thở dốc khó khăn, da phần mõm, tai, bụng bị tím tái do thiếu ôxy. Một số khác thấy bị viêm khớp nhất là khớp đùi, khớp gối và khớp bàn chân, do đó heo bị đau, đi lại khó khăn và khi đứng thường có dáng khom khom và lưng cong lên. Tuy nhiên, heo bệnh ở thể mãn tính nhanh chóng hồi phục và khoẻ trở lại trong thời gian từ 5 - 12 ngày.

Chẩn đoán

Dựa vào tính chất dịch tễ học;

Dựa vào triệu chứng lâm sàng: Bệnh tích có dấu đỏ ở da, sốt cao, heo ốm lâu viêm sùi van tim, sưng khớp;

Dùng kháng sinh điều trị để chẩn đoán: Penicillin, Amoxycillin, Ampicillin hay Cephalosporin chưa khỏi bệnh ngay sau 1 - 2 mũi tiêm.

Trị bệnh

Thể quá cấp và cấp tính: cần dùng kháng huyết thanh hoặc kháng thể được sản xuất từ máu của ngựa, kết hợp với kháng sinh để điều trị mới thu được kết quả.

- Kháng huyết thanh đóng dấu có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm ven với liều 1 - 1,5 ml/1 kg trọng lượng.

- Kháng sinh thường dùng là các loại có tác dụng chủ yếu vi khuẩn Gram dương là: Penicillin, Ampicillin, Amoxycillin, Cloxacillin, Ceftiofur, Fosfomycin, Gentamycin. Chúng có thể dùng riêng rẽ nhưng khi kết hợp thì hiệu quả điều trị tốt hơn nhiều. Liều lượng và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

Phòng bệnh

Hiện nay, phòng bệnh bằng vaccine do Việt Nam sản xuất đã được áp dụng riêng rẽ và tiêm cho heo cai sữa lần 1 lúc 35 - 45 ngày tuổi và sau 2 tuần thì tiêm nhắc lại. Miễn dịch kéo dài khoảng 3 - 6 tháng, đối với heo thịt thì chỉ cần tiêm 1 lần. Nhưng heo làm giống phải tiêm định kỳ 2 - 3 lần/năm, heo nái trước khi đẻ 15 ngày và heo đực trước khi phối giống 15 ngày nên tiêm vaccine chống bệnh đóng dấu.

Phòng bệnh bằng biện pháp vệ sinh thú y. Đây là các giải pháp tổng hợp về việc triển khai thực hiện công tác vệ sinh thú y trong khu chăn nuôi phải được triển khai thường xuyên và nghiêm túc.

An toàn sinh học là kết quả cuối cùng của công tác vệ sinh thú y và kỹ thuật chăn nuôi bền vững.

>> Vi khuẩn gây bệnh heo đóng dấu có nhiều chủng khác nhau. Sức đề kháng của nó khá cao, trong phủ tạng xác chết thối có thể sống được 4 tháng, trong xác đem chôn dưới đất sống được 9 tháng, ở ngoài dưới ánh sáng mặt trời sống được 12 ngày.

Diệu Châu


Có thể bạn quan tâm

Nuôi bồ câu Hà Lan thu nhập khá
Nuôi bồ câu Hà Lan thu nhập khá
Nuôi bồ câu Hà Lan thu nhập khá

Anh Lý Tấn Thành, SN 1968, ngụ tại khóm 5, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) nuôi bồ cầu giống Hà Lan cho thu nhập khá.

56 địa phương củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp
56 địa phương củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp
56 địa phương củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp

Đến hết tháng 5/2023, tổng cộng đã có 56 tỉnh, thành phố triển khai Đề án ngành Thú y nhằm kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y các cấp.

Kỹ thuật nuôi bò Kobe - F1
Kỹ thuật nuôi bò Kobe - F1
Kỹ thuật nuôi bò Kobe - F1

(Người Chăn Nuôi) - Hiện nay, ở nước ta những giống bò ngoại chuyên thịt được nuôi phổ biến ở các địa phương. Ưu điểm của các giống này là chúng có tốc độ sinh trưởng và tăng trọng lớn, tỷ lệ thịt khá cao (trên 60%) và phẩm chất...