Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Xử lý hiện tượng ngộ độc thức ăn trên bò

Cập nhật: 01/04/2023, 14:19:27

Diễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVET

Xử lý hiện tượng ngộ độc thức ăn trên bò
Thực hiện đúng quy trình ủ chua thức ăn để hạn chế ngộ độc trên bò. Ảnh: Mark Passeer

(Người Chăn Nuôi) - Khẩu phần thức ăn của bò thường có trên 90% là cây cỏ thực vật, trong đó nhiều loại chứa độc tố nguy hiểm dễ gây ngộ độc. Các biểu hiện của ngộ độc có thể xảy ra sau vài phút, vài giờ, thậm chí vài ngày sau khi sử dụng thức ăn. Nắm vững cách xử lý là bước quan trọng đầu tiên giúp phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng và tránh thiệt hại cho người nuôi.

Nguyên nhân
Do bò ăn phải một số loại thức ăn có chứa độc chất và bị ngộ độc.

Thức ăn có chứa nhóm Cianglucosid: Khi thủy phân glucosid này sẽ sinh ra acid cianhydric (HCN). Acid này khi vào cơ thể bò sẽ liên kết với hemoglobin, gây ức chế quá trình vận chuyển ôxy, làm bò ngạt thở và chết rất nhanh khi ăn phải lượng lớn. Sắn có chứa linamarin là loại chất độc thực vật thuộc dạng này.

Thức ăn có chứa nhóm glycoside cải dầu: Đặc biệt là các nhóm thioglycoside. Các chất này có thể gây tình trạng bướu cổ hoặc hiện tượng vỡ hồng cầu (hemolisis) nghiêm trọng. Khi gia súc ăn nhiều thức ăn có chứa các chất này sẽ làm cho nước tiểu của bò có màu đỏ (do hiện tượng vỡ hồng cầu). Bắp cải có chứa brasiconapin, phần xanh của vỏ khoai tây và mầm củ khoai tây có chứa nhiều solanin (chất này cũng có thể xếp vào nhóm alkaloide) là thực vật có chứa chất độc thuộc dạng này.

Thức ăn chứa các axit amin bất thường: Mimosin có nhiều trong cây keo dậu, khi bò ăn nhiều sẽ gây bướu cổ. Gossipol có nhiều trong khô dầu bông vải. Chất này gây ức chế sinh trưởng. Ở bò, các vi sinh vật trong dạ cỏ có thể phân hủy chất này, nên bò có thể sử dụng tốt khô dầu bông vải. Nhưng khi cho ăn nhiều, một phần khô dầu đi qua dạ cỏ và một phần gossipol được hấp thu vào máu, qua màng thai gây hại cho bào thai. Vì vậy, đối với bò mang thai nên hạn chế sử dụng khô dầu bông vải.

Các loại nấm mốc: Các loại thức ăn nếu không được bảo quản tốt sẽ phát sinh nấm mốc và một số loại nấm mốc gây hại cho bò như giảm khả năng đề kháng, gan thoái hóa, sẩy thai, giảm độ ngon miệng…

Độc chất từ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, diệt chuột: Khi cho bò ăn cỏ cắt ở những vùng vừa mới phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc uống nước có nhiễm độc chất này thì bò sẽ bị ngộ độc. Khi ngộ độc, bò sẽ có triệu chứng như không tự chủ (đi đứng xiêu vẹo, liệt), thở nhanh, tim đập nhanh, loạn nhịp tim và ngừng hô hấp. Trong trường hợp bò nhiễm độc từ từ thì khó phát hiện.

Thức ăn chế biến không tốt: Việc chế biến thức ăn không đúng kỹ thuật làm ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hấp thu, tiêu hóa của bò như:

- Thức ăn ủ men, ủ chua, u rê không đúng quy trình kỹ thuật thúc đẩy các vi sinh vật có hại phát triển, thức ăn quá chua. Khi bò sử dụng thức ăn này sinh bệnh đi ỉa chảy, tiêu hóa kém, gầy còm.

- Nếu cho bò ăn thức ăn quá khô, không cung cấp đủ nước uống, bò sẽ bị bệnh nghẽn dạ lá sách.

Triệu chứng

Tùy theo từng loại hóa chất và liều lượng mà bò ăn hoặc uống phải, các hóa chất này gây tác động với các mức độ khác nhau lên thần kinh trung ương, lên hệ thống tiêu hóa và các cơ quan khác của cơ thể.

Trường hợp ngộ độc cấp diễn: Bò sữa đột ngột chảy dãi dớt như bọt xà phòng, mắt đỏ ngầu, chảy nước mắt liên tục. Một số trường hợp gia súc ỉa chảy dữ dội, thậm chí ỉa chảy có máu tươi. Các loại hóa chất có thể gây hưng phấn trung khu vận động, làm cho con vật chạy nhảy, đi vòng tròn, xiêu vẹo không tự chủ được và sau đó liệt, nằm một chỗ. Chất độc còn tác động lên trung khu hô hấp và tuần hoàn, làm cho bò lúc đầu thở mạnh, tim đập nhanh, loạn nhịp sau đó ngừng hô hấp, trụy tim mạch và chết rất nhanh sau 3 - 6 giờ.

Trường hợp ngộ độc trường diễn: Bò sữa tiếp nhận chất độc với lượng nhỏ, nhưng liên tục trong một thời gian nhất định. Các chất độc tích lũy trong cơ thể, gây ra các biến đổi bệnh lý, khó phát hiện ngay. Thông thường, đó là những biến đổi như: Thoái hóa gan, rối loạn tiêu hóa, bần huyết, nhiễm độc thần kinh… Điều nguy hiểm là các chất độc này tích lũy trong cơ thể hoặc được thải qua sữa và người tiêu thụ thịt, sữa này cũng sẽ bị ngộ độc.

Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng như mô tả trên. Cần phân biệt với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính: Khi bị bệnh truyền nhiễm luôn luôn có sốt cao.

Trong chẩn đoán bệnh, cần kết hợp xem xét các nguy cơ gây ra ngộ độc đồng thời xét nghiệm thức ăn và nguồn nước để tìm chất độc.

Điều trị
Khi phát hiện bò bị ngộ độc, việc đầu tiên là ngưng toàn bộ loại thức ăn đang sử dụng. Tiến hành xét nghiệm tìm ra chất độc mà bò bị nhiễm rất quan trọng, nó cho phép áp dụng biện pháp giải độc và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp bách, khi chưa xác định được loại chất độc, cần cho bò uống nhiều nước, có thể dùng nước đường, nước mía, mật mía… phối hợp tiêm các thuốc trợ lực, giải độc như Vitamin C, K, điện giải. Trường hợp nặng, loại trừ chất độc trong đường tiêu hóa bằng cách gây nôn cho bò. Sau đó cho uống 10 - 20 g bột than củi tán nhỏ mịn hoặc 2 lòng trắng trứng gà. Cần rửa ruột cho bò bằng cách thụt nước ấm vào hậu môn. Giải độc trong máu bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch bằng nước sinh lý ngọt liều tiêm 200 - 500 ml/con. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp chăm sóc tốt như để bò nơi thoáng khí. Nếu trời lạnh cần sưởi ấm. Cho ăn cháo loãng, dễ tiêu.

Phòng bệnh
Cỏ cắt về nên rửa sạch sẽ, phơi tái trước khi cho bò ăn.

Riêng thân mía và củ sắn hạn chế cho ăn nhiều bởi trong thân mía có lượng đường cao gây lên men dẫn đến triệu chứng điển hình là nhịp tim tăng nhanh, huyết áp giảm mạnh, khó thở. Bò ăn sắn tươi nhiều cũng dễ bị say sắn, hiện tượng dãi dớt nhiều và sẽ chết nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Nên ủ chua sắn, mía trước khi cho ăn để thải bớt độc tố.

Hàng ngày cần chú ý kiểm tra thức ăn, nguồn nước dùng cho bò, nếu phát hiện mùi lạ thì phải bỏ và cách ly, không cho bò ăn, uống.

Tránh chăn thả bò ở những vùng trồng lúa, rau màu, nhất là những thời điểm phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu…

Thực hiện tốt công tác bảo quản thức ăn để phòng ngừa nấm mốc. Đặc biệt, phải phun thuốc chống nấm như axit acetic... vào nguyên liệu trước khi nhập vào kho.

Nguyễn Hằng


Có thể bạn quan tâm

Điện Biên: Nữ tỷ phú trang trại chăn nuôi đạt chuẩn
Điện Biên: Nữ tỷ phú trang trại chăn nuôi đạt chuẩn
Điện Biên: Nữ tỷ phú trang trại chăn nuôi đạt chuẩn

Chị Nguyễn Kim Thắng ở đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên được biết đến là một người phụ nữ đảm đang chịu khó và liều lĩnh...

Nuôi dưỡng chăm sóc gà con
Nuôi dưỡng chăm sóc gà con
Nuôi dưỡng chăm sóc gà con

(Người Chăn Nuôi) - Chăm sóc cho đàn gà con khỏe mạnh là tiền đề cho sự phát triển tốt nhất trong suốt thời gian chăn nuôi sau này. Tuy nhiên, nuôi gà con là công việc khó khăn, đòi hỏi người nuôi phải có nhiều kinh nghiệm.

Cá tra thuộc nhóm đối tượng trao đổi thương mại chính giữa Việt Nam và Trung Quốc
Cá tra thuộc nhóm đối tượng trao đổi thương mại chính giữa Việt Nam và Trung Quốc
Cá tra thuộc nhóm đối tượng trao đổi thương mại chính giữa Việt Nam và Trung Quốc

10:30 Thứ sáu, 01/11/2013 Trong các ngày từ 16 - 20/10/2013, đoàn công tác của Bộ NN và PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã sang thăm và làm việc tại thành phố Nam Ninh - Trung Quốc để tham dự Tuần lễ Văn hoá ngư nghiệp ASEAN-Trung...