Ảnh minh họa - nguồn internet
(Người Chăn Nuôi) - Sốt sữa là hiện tượng viêm tiết dịch cấp tính tuyến sữa. Sau khi đẻ heo nái tê liệt nằm một chỗ, vắt không ra sữa. Bệnh gây nguy hiểm cho heo mẹ và làm cho heo con chết đói hoặc mút nhiều nơi khác dẫn đến bị các bệnh đường ruột gây tiêu chảy.
Nguyên nhân
Heo nái sốt sữa do nhau ra không hết, nhau ở trong tử cung sẽ tiết ra hoocmon follienlia, làm ức chế sự phát sinh của hoocmonprolactine nên tuyến vú không phát triển được gây sốt sữa. Do heo nái bị viêm vú, viêm tử cung. Do thức ăn mất cân đối về thành phần và giá trị dinh dưỡng, nhất là đạm, khoáng và vitamin. Nếu canxi thu nhận không đủ và lượng dự trữ từ xương cạn kiệt sẽ gây canxi huyết thấp. Từ đó dẫn đến bại liệt do sốt sữa, do lượng Ca, P bài xuất rất nhiều theo sữa để cung cấp cho nhu cầu của gia súc non, làm mất cân bằng lượng cung - cầu canxi dẫn đến canxi huyết giảm nhanh và xuất hiện sốt sữa.
Triệu chứng
Sau khi đẻ 4 - 5 ngày, đột nhiên heo nái bỏ ăn, đi lại không vững, té ngã hoặc nằm mắt lim dim. Heo nái bị tê liệt ở một vài vùng thân, bắp thịt giật, hai chân sau cứng. Heo mê man, lưỡi thè ra ngoài, mũi khô, da tái, bốn chân lạnh, thân nhiệt hạ dưới mức bình thường. Vú căng nhưng vắt không ra sữa.
Phòng bệnh
Giữ ấm cho heo nái và để heo nái ở nơi yên tĩnh, thông thoáng. Điều chỉnh lại khẩu phần thức ăn cho heo nái. Khẩu phần heo nái trong giai đoạn mang thai phải cân đối đạm khoáng và vitamin. Do đó, cần bổ sung vào khẩu phần thức ăn hàng ngày cho heo nái trước khi đẻ 2 tuần chất đạm, các chất khoáng, vitamin và các nguyên tố vi lượng dưới dạng thức ăn bổ sung và Premix. Kết hợp tiêm Vimekat 20 ml/nái giai đoạn mang thai và Poly AD 5 ml/nái vào 14 ngày trước khi đẻ. Chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo và thông thoáng.
Trị bệnh
Nếu do sót nhau: tiêm Oxytocin liều 3 ml/nái, tiêm nhắc lại 2 - 3 giờ /lần vào bắp thịt hay dưới da, sau đó tiêm kháng sinh cho heo nái để phòng nhiễm trùng.
Nếu viêm tử cung ra nước nhờn mùi hôi thối: thụt rửa tử cung bằng dung dịch nước muối 0,9%; hoặc dung dịch thuốc tím 0,1%; hoặc dung dịch Rivanol 0,1%. Sau đó, dùng thuốc kháng sinh thụt hoặc đặt vào tử cung cho heo nái, kết hoặc với tiêm kháng sinh để đề phòng nhiễm trùng toàn thân.
Nếu do thiếu Canxi: dùng các chế phẩm canxi, tiêm trực tiếp và tĩnh mạch, như: Gluconat canxi 10%; hoặc Canxiclorua 10%; hoặc Canxi - Fort; hoặc Canxi B12…
Nếu sốt sữa do sót nhau: dùng dung dịch Gluconatcanxi 10% tiêm tĩnh mạch với liều 20 ml/con hoặc tiêm tĩnh mạch dung dịch Oxytoxin với liều 10 - 20 UI/con hoặc có thể dùng dung dịch Ergotin tiêm bắp với liều 0,3 - 0,5 mg/con.
Nguyễn Hà
Có thể bạn quan tâm
Hơn 6 năm, ông Bùi Văn Thanh (Tám Thanh), 45 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 19, ấp Bến Vựa Bắc, xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri (Bến Tre)...
Ngày 10/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang có Công điện số 5085/UBND-NN gửi các sở, đơn vị, địa phương trong tỉnh, đề nghị chủ động khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi sau ảnh hưởng của cơn bão số 3.
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh viêm loét miệng truyền nhiễm ở dê xảy ra phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET