Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ để kiểm soát dịch bệnh

Cập nhật: 04/04/2014

Diễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVET

Các mô hình được Dự án LIFSAP hỗ trợ đang thực hiện ở Đồng Nai giúp bảo toàn đàn vật nuôi, không bị ảnh hưởng bởi dịch CGC.

Chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ để kiểm soát dịch bệnh
Chăn nuôi nông hộ theo quy trình VietGAP

Theo diễn biến mới nhất, tính trên cả nước hiện nay có đến 45 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 15 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Dịch lở mồm long móng trên gia súc đã xuất hiện tại một số tỉnh như Quảng Trị, Cao Bằng, Bắc Kạn.

Đồng Nai cũng đang nằm trong khu vực bùng phát dịch cúm gia cầm (CGC), với một số ổ dịch cúm A/H5N1 được phát hiện tại huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Vĩnh Cửu.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, các hộ áp dụng quy trình VietGAP nông hộ thuộc Dự án LIFSAP tại 3 Vùng chăn nuôi ưu tiên gồm Thống Nhất, Xuân Lộc, và Long Khánh, người chăn nuôi vẫn bảo toàn đàn vật nuôi, và không bị bất cứ ảnh hưởng nào bởi dịch CGC bùng phát thời điểm này.

Dịch bệnh bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa

Đồng Nai là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, trong đó, heo và gà là 2 vật nuôi chủ lực.

Hiện toàn tỉnh có tổng đàn gà trên 11,6 triệu con với 88% chăn nuôi trang trại; đàn heo gần 1,4 triệu con với 60% nuôi trang trại.

Đồng Nai có 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, với diện tích gần 15.700 hecta.

Quy trình thực hành chăn nuôi tốt cấp nông hộ (VietGAP nông hộ) là quy trình chăn nuôi tiến bộ nhất hiện nay, được xây dựng và cố vấn bởi chuyên gia quốc tế, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi và giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam. Quy trình VietGAP là một trong 4 quy trình Dự án LIFSAP đang thực hiện trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ nhằm cung cấp các sản phẩm thịt sạch từ trang trại đến bàn ăn được thực hiện tại 12 tỉnh thành trên cả nước.

Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thời điểm này, Đồng Nai đang phải đối phó với sự bùng phát của dịch CGC H5N1.

Ngoài ra, những cảnh báo về dịch lở mồm long móng, dịch tai xanh, cũng có nguy cơ bùng phát bất cứ thời điểm nào.

Nguyên nhân chủ yếu của dịch bùng phát mạnh là do: Thời tiết trong tháng 1 - 2/2014 lạnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, là môi trường thuận lợi để virus H5N1 tồn tại và lây lan.

Do nhiều địa phương đã không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2 năm 2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1/2014 cho nên các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ virus cúm H5N1.

Do công tác thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện trong thời gian qua tại nhiều địa phương…, dịch cũng đã có dấu hiệu từ cuối năm 2013, qua vận chuyển đàn gia cầm trong dịp Tết đã lan xuống phía Nam.

Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhờ quy trình VietGAP

Trong khi đó, 3 huyện của Đồng Nai là Thống Nhất, Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt không để dịch bệnh lây lan trong đợt bùng phát dịch CGC mạnh mẽ vừa qua.

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết: Quan điểm của tỉnh là khi phát hiện ổ dịch là tiêu diệt ngay để khống chế toàn bộ khu vực; tiêm phòng các đàn xung quanh cũng như tái đàn, khử trùng tiêu độc và xử lý tiêu trùng thật kỹ môi trường chăn nuôi tại ổ dịch cũng như các khu chăn nuôi lân cận. Sau khi phát hiện và xử lý ổ dịch đến nay, tỉnh không phát sinh ổ dịch mới nào. Điều đó chứng tỏ cách xử lý ổ dịch của chúng ta đúng nên đã khống chế được ổ dịch.

Đồng Nai là 1 trong 12 tỉnh tham gia dự án LIFSAP – Dự án cạnh tranh Ngành Chăn nuôi và An toàn Thực phẩm do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ năm 2010 đến nay.

Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh được Đồng Nai lựa chọn là 3 vùng chăn nuôi ưu tiên triển khai áp dụng mô hình thực hành chăn nuôi tốt nông hộ (VietGAP nông hộ) của Dự án LIFSAP. 

Tại 3 vùng chăn nuôi ưu tiên đã thiết lập được 52 nhóm với 1.047 hộ chăn nuôi tham gia áp dụng quy trình VietGAP nông hộ. Các hộ chăn nuôi hết sức phấn khởi bởi đợt bùng phát dịch lớn đầu năm nay đã không ảnh hưởng gì đến đàn vật nuôi của họ.

Chị Nguyễn Thị Hoài, nhóm GAHP Xuân Lộc, hồ hởi chia sẻ: “Trước đây, không biết chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ, nên vào mỗi đợt giao mùa, dịch bệnh bùng phát, đàn heo nhà tôi bị trúng dịch, nằm chết tràn lan trong chuồng, nhìn mà bất lực. Sau được tham gia vào nhóm GAP, được học và tập huấn quy trình VietGAP, 3 năm nay, lứa heo nào nhà tôi cũng đều khỏe mạnh, xuất chuồng nhanh. Tôi không còn phải lo lắng mỗi đợt dịch bệnh bùng phát nữa”.

Sau khi tham gia dự án LIFSAP, người chăn nuôi trong vùng chăn nuôi ưu tiên đã được đào tạo về quy trình thực hành chăn nuôi tốt, đã thực hiện tốt những hướng dẫn trong công tác quản lý môi trường thông qua việc đầu tư xây dựng hầm biogas/hố ủ phân hữu cơ để xử lý chất thải chăn nuôi, không gây ảnh hưởng đến các hộ lân cận, môi trường xung quanh và hạn chế phát tán mầm bệnh.

Họ đã chủ động bảo vệ đàn gia súc của mình thông qua việc tiêm phòng các loại vacxin theo quy định, vệ sinh chuồng trại hàng ngày cũng như phun thuốc sát trùng định kỳ để phòng chống dịch bệnh. Biết ghi chép sổ sách trong quá trình chăn nuôi, hạch toán được lợi nhuận trong chăn nuôi sau khi xuất bán. Biết sử dụng các loại thuốc phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi khi mắc bệnh thông thường như liều lượng, thời gian ngưng thuốc, các thuốc được phép sử dụng và có ý thức, trách nhiệm báo cáo cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương khi đàn vật nuôi bị dịch bệnh.

Đặc biệt là ý thức của người chăn nuôi đã được nâng cao để cung cấp những sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Hà, một trong những hộ chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP nông hộ tại xã Thống Nhất cũng phấn khởi khoe: “Từ đợt tham gia VietGAP, không chăn nuôi theo lối cũ nữa, phòng tránh được bệnh tật cho heo, gà, mà heo gà khỏe mạnh, không bệnh, bán rất được giá. Tết vừa rồi, tôi cũng vừa xuất đàn lợn 50 con, con nào con nấy khỏe mạnh. Cái Tết năm nay gia đình tôi thắng lớn”.

Chính vì vậy mà từ khi tham gia chăn nuôi theo quy trình VietGAP nông hộ, 3 vùng chăn nuôi ưu tiên thuộc huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, và Long Khánh đều kiểm soát được dịch bệnh, bảo toàn đàn vật nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Đến thời điểm này, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, Chi Cục Thú y tỉnh Đồng Nai ghi nhận 100% đàn gia súc, gia cầm tại 3 vùng chăn nuôi  ưu tiên này không có trường hợp nào nhiễm bệnh.

  
LÂM THỤY
 

Có thể bạn quan tâm

Xử lý bệnh đóng dấu heo
Xử lý bệnh đóng dấu heo
Xử lý bệnh đóng dấu heo

(Người Chăn Nuôi) - Bệnh đóng dấu là một bệnh truyền nhiễm với đặc trưng lâm sàng là chết đột ngột, sốt cao với những mảng xung huyết, mẩn đỏ định hình trên da, heo bị viêm khớp.

Bệnh liên cầu khuẩn ở heo
Bệnh liên cầu khuẩn ở heo
Bệnh liên cầu khuẩn ở heo

(Người Chăn Nuôi) - Liên cầu khuẩn ở lợn là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus suis gây ra. Bệnh còn có thể xảy ra ở người nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Hàng loạt công ty thực phẩm Nhật Bản lừa dối nhãn mác
Hàng loạt công ty thực phẩm Nhật Bản lừa dối nhãn mác
Hàng loạt công ty thực phẩm Nhật Bản lừa dối nhãn mác

Thứ Tư, 06/11/2013 22:20 - Một Nhật Bản nổi tiếng với những loại thực phẩm an toàn, chất lượng cao đang đứng trước nguy cơ danh tiếng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm hàng đầu của quốc gia này thừa nhận...