Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng

Cập nhật: 13/01/2018

Không tấm bằng đại học chuyên ngành nông nghiệp, nhưng với ý chí, niềm đam mê, không chịu thất bại, những người nông dân này đã thành công với nhiều mô hình chăn nuôi đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, trở thành những tấm gương điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế, góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng.

Ông Vương Văn Nhân, xóm Nà Tiều, xã Lương Can (Thông Nông) chăm sóc bò vỗ béo

Ông Vương Văn Nhân, sinh năm 1964, xóm Nà Tiều, xã Lương Can huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng là một trong những tấm gương điển hình về phát triển sản xuất, chăn nuôi (chủ yếu nuôi bò, trâu) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy thế mạnh ở địa phương thích hợp với chăn nuôi trâu, bò vì có bãi chăn thả, địa hình đồi núi sẵn có nguồn thức ăn xanh, ngoài chăn thả có thể nuôi nhốt, không phải tốn thêm vốn đầu tư, chỉ tốn công chăm sóc, ông Nhân mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mua thêm 2 cặp bò sinh sản. Ngoài việc tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng bệnh, ông tích cực học hỏi kinh nghiệm thực tế ở những người đi trước.
Ông Nhân cho biết: “Từ thực tế cho thấy chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, tôi tiếp tục vay vốn từ anh em họ hàng mua những con trâu, bò gầy, nhỏ đem về nuôi vỗ béo. Trung bình mỗi năm nuôi từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa nuôi 3 - 5 con, sau đó tăng dần lên 7 - 10 con bò, trung bình lãi 2 - 4 triệu đồng/con, xuất bán khoảng 30 con trâu, bò vỗ béo/năm. Năm 2014, gia đình tôi đăng ký và thực hiện nuôi bò theo hướng trang trại, hiện gia đình tôi có 40 con bò, 7 con trâu”.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò, gia đình ông tận dụng những bãi đất đồi trồng 2.000 m2 cỏ voi, cỏ VA06; tận dụng thêm các phụ phẩm từ nông nghiệp như: rơm, lá mía, ngô, đậu... Với những sản phẩm này, trong mùa đông gia đình thực hiện phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu, bò nên nguồn thức ăn luôn được đảm bảo. Hàng năm, gia đình trồng ngô rẫy từ 3 - 5 kg giống ngô lai, cấy 2 vụ lúa, trồng thuốc lá, đậu đỗ, rau vụ đông các loại và nuôi thêm 2 lứa lợn. Từ chăn nuôi trâu, bò, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về trên 160 triệu đồng.

Ngoài việc phát triển kinh tế, ông còn tham gia công tác xã hội, được tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm từ nhiều năm nay. Ông luôn đi đầu trong các phong trào, xây dựng tình đoàn kết trong xóm, thực hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những hộ nghèo về sức kéo, cho mượn đất canh tác, cho vay tiền không tính lãi để các hộ có điều kiện phấn đấu vươn lên. Gia đình ông nhiều năm liền được UBND huyện tặng giấy khen, UBND tỉnh tặng Bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Đến xã Đa Thông (Thông Nông), hỏi gia đình chị Nông Thị Hồng, xóm Bản Giàng, nhiều người biết chị là một trong những phụ nữ điển hình vươn lên trong khó khăn để làm giàu chính đáng từ kinh tế nông nghiệp.
Trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng lúa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, chị mạnh dạn đi tìm hiểu mô hình chăn nuôi ở một số địa phương khác để học hỏi. Qua tìm hiểu thực tế việc nuôi ong không đòi hỏi nhiều nhân lực, vốn đầu tư không cao, cho nguồn thu nhập ổn định; điều kiện ở đây chủ yếu là đồi, núi với nhiều loài hoa quanh năm, chị Hồng đầu tư phát triển nuôi ong lấy mật.

Bước đầu nuôi, gia đình chị gặp một số khó khăn do thiếu kinh nghiệm chăm sóc. Nuôi ong không vất vả như các công việc khác, nhưng người nuôi phải thường xuyên kiểm tra, quan sát diễn biến của đàn ong trong từng thời điểm để có cách chăm sóc phù hợp. Nhờ vậy, đàn ong ngày càng được nhân rộng. Đến nay, chị duy trì thường xuyên trên 40 tổ ong. Riêng thu nhập từ bán mật ong trên 45 triệu đồng/năm, bán ong giống 32 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình chị còn phát triển chăn nuôi cá và trồng cây thuốc lá hàng hóa; tổng thu nhập của gia đình trên 130 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Hồng nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong sản xuất, giúp đỡ một số hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn để nâng cao đời sống. Với những thành tích đã đạt được, gia đình chị nhiều năm liền được công nhận là Gia đình văn hóa, được UBND tỉnh, UBND huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Anh Hoàng Văn Đội, xóm Dẻ Gà, xã Lương Thông là một người năng động trong cơ chế thị trường, khai thác, sử dụng hiệu quả các dịch vụ, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả cao. Ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển trồng trọt, chăn nuôi, gia đình mở cửa hàng vật liệu xây dựng kết hợp dịch vụ vận tải, tổng thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Anh luôn nêu cao tinh thần tự học hỏi, suy nghĩ, tìm tòi, năng động trong cơ chế thị trường, thường xuyên phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

Thành công bằng những cách làm khác nhau, song chung một xuất phát điểm là khởi nghiệp với nhiều khó khăn, thất bại. Nhưng trên con đường đi tới thành công của những người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điều quan trọng ở họ là đã biết chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và cùng vươn lên làm giàu từ “nghiệp đất”./.

Thanh Hoàng


Có thể bạn quan tâm

Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu con
Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu con
Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu con

(Người Chăn Nuôi) - Nuôi dưỡng chăm sóc đà điểu từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi là giai đoạn rất quan trọng, quyết định đến kết quả ở các tháng nuôi tiếp theo. Do đó, chuồng trại, dinh dưỡng cần được theo dõi và xử lý kịp thời.

Phòng trị bệnh tiêu chảy ở bê, nghé
Phòng trị bệnh tiêu chảy ở bê, nghé
Phòng trị bệnh tiêu chảy ở bê, nghé

(Người Chăn Nuôi) - Bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân có mưa phùn ẩm ướt, mùa hè nóng ẩm sau những trận mưa rào làm chuồng trại và bãi chăn bị ô nhiễm. Người nuôi cần nắm kiến thức nhất định về bệnh để kịp thời...

Hóa giải thách thức của ngành chăn nuôi 2021
Hóa giải thách thức của ngành chăn nuôi 2021
Hóa giải thách thức của ngành chăn nuôi 2021

(Người Chăn Nuôi) - Đầu năm 2020, không ai có thể đoán trước được những thách thức bất ngờ mang tên Covid-19. Bước sang năm 2021, những dư âm khó khăn, thách thức với ngành thức ăn chăn nuôi vẫn còn. Để hóa giải, người chăn nuôi cần định hình...