Hotline: +84 243 869 1980

Tin tức chung

Nông dân làm giàu từ mô hình nuôi dê

Cập nhật: 14/01/2017

Xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh là xã thuần nông, kinh tế nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, trong những năm trước đây nông dân ở xã Tịnh Thọ đã đầu tư chăn nuôi heo, bò phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Để tìm hướng đi mới cho gia đình, anh Phan Văn Đủ ở thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ đã thực hiện mô hình chăn nuôi dê, đến nay gia đình anh đã khá lên nhờ mô hình này.

Anh Đủ đang chăm sóc đàn dê của gia đình

Theo chân anh Ngô Văn Vọng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Thọ, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Văn Đủ ở thôn Thọ Tây, gặp anh đang chăm sóc đàn dê của gia đình, đón tiếp chúng tôi với nụ cười hiền lành. Là người nông dân có niềm đam mê với nông nghiệp từ nhỏ, nhiều năm liền anh Đủ thực hiện mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung, tuy nhiên cũng chỉ đầu tư những con giống truyền thống như gà, lợn, vịt…       Nghĩ là làm, năm 2007, anh quyết định đầu tư vào việc nuôi dê. Để biết chắc dê có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã tự tìm đến các mô hình nuôi dê sẵn có trong và ngoài tỉnh. Qua nhiều chuyến đi, tích góp mỗi nơi một ít kinh nghiệm đã giúp cho anhrút ra được vốn kiến thức kha khá, đủ để xây dựng mô hình cho gia đình mình. Và qua nhiều tháng tìm hiểu trên sách vở, tham quan thực tế, cách đâyhơn 9 năm, anh Đủ mạnh dạn đầu tư để làm chuồng trại và mua dê về nuôi.Cách làm của anh Đủ không giống ai, anh không đến chỗ bán dê giống mà lại đi hỏi mua lại đàn dê gia chủ không muốn nuôi nữa để mua cả bầy rồi về chọn ra con nào khỏe, tốt giữ lại nuôi, con nào già, yếu thì bán thịt. Nhờ cách chọn giống khác biệt này mà đàn dê của anh cứ nâng dần lên, cho đến nay anh Đủ đã sở hữu đàn dê 50 con. Mỗi năm anh xuất bán hai đợt, bình quân một năm anh Đủ thu về gần 100 triệu đồng.  Hiện tại giá dê hơi là 120.000 đồng/kg.

Chuồng dê được anh làm rất kỹ lưỡng

Tham quan chuồng dê của gia đình anh chúng tôi mới thấy hết tâm huyết của anh nông dân này vớidê. Khi được hỏi về kinh nghiệm nuôi dê, anh Đủ cho biết “Nuôi dê không khó nhưng đòi hỏi đức tính cẩn thận khi chăm sóc, xây dựng chuồng trại bằng tre hoặc gỗ, đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Mỗi gian chuồng cao khoảng 1 mét, rộng 1,2 mét và dài 1,3 mét; sàn chuồng cách mặt đất 0,5 đến 0,8 mét làm bằng gỗ bằng phẳng, để khe hở khoảng 1 đến 1,5 cm để phân lọt dễ dàng xuống đất. Mỗi chuồng có diện tích khoảng 1,5 đến 1,8 mét vuông nhốt từ 2 đến 3 con dê thịt. Nhằm tạo điều kiện cho đàn dê phát triển khỏe mạnh, việc cần thiết là tạo không gian chăn thả với diện tích bằng 3 lần diện tích chuồng trại, trồng cây tạo bóng mát". Thổ nhưỡng ở vùng đất này rất hợp với chăn nuôi dê. Dê ít bị dịch bệnh như những loại gia súc khác, lại là loài động vật ăn tạp, hầu như tất cả các loại lá cây đều có thể là thức ăn của chúng. Dê cũng có sức đề kháng cao, ít bị ốm, chịu khó tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả của gia đình, ngoài ra anh còn bổ sung thêm thức ăn tinh từ sản phẩm nông nghiệp của gia đình như bắp. Gia đình nuôi dê bán lấy thịt cung cấp cho thương lái nên thu nhập khá ổn định.Theo anh chọn giống dê cáiphải có ngoại hình đẹp, mình nở rộng, ngực sâu, thân hình cân đối khỏe mạnh, da mềm, lông bóng. Chọn những con đực có ngoại hình đẹp, đầu cổ kết hợp hài hòa, thân mình cân đối khỏe mạnh, 4 chân vững chắc, hai dịch hoàn to đều, dáng nhanh nhẹn, tính hăng tốt.

Anh Đủ rất kỹ lưỡng trong khâu chọn giống

Bênh cạnh đó, thấy lợi thế vườn nhà rộng rãi, năm 2009, anh Đủ nuôi gà thả vườn. Tiền vốn chưa có nhiều, nên lúc đầu anh nuôi 200 con gà. Nhờ sự chăm sóc kỹ lưỡng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tiêm vắc xin đúng liều nên đàn gà của anh cứ thế tăng dần lên 500, 1.000 con đến nay là 3.000 con. Anh Đủ phấn khởi, khoe: "Mới đây tôi vừa bán 3.000 con gà, thu về hơn 120 triệu đồng. Bán xong tôi để chuồng trống khoảng 1 tháng cho sạch sẽ, diệt vi khuẩn và thoáng khí rồi tiếp tục nuôi lại, nên mới yên ắng như thế này". Càng làm càng ham, nghe người anh họ ở Đắklắk nói cây hồ tiêu mang lại nguồn kinh tế cao, nên anh Đủ lên tận nơi tìm hiểu. Anh Đủ không đầu tư vội mà tìm hiểu xem loại đất ở quê có thích hợp với việc trồng tiêu hay không. Để chắc chắn điều này, anh Đủ lại đi khắp vườn tiêu ở xã Tịnh Đông, Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh tìm hiểu. Sau khi nắm chắc về loại cây trồng này, anh mua giống về trồng trong vườn nhà. Tận dụng hơn 50 thân cây xà cừ, anh Đủ cho dây tiêu sinh trưởng trên đó. Vậy là, hai năm sau tiêu phát triển tốt đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình. Dự tính sắp tới anh Đủ sẽ mở rộng trồng thêm 1ha tiêu.Giờ đây những mô hình chăn nuôi, trồng trọt này đã đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm.

Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Đủ

Chia tay anh Đủ nhìn những chú dê mập mạp, khỏe mạnh mới thấy hết công sức của người nông dân này. Trời không phụ lòng người, nhờ đàn dê mà kinh tế gia đình anh đã khấm khá lên nhiều, đã có của ăn, của để. Đây là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.Hiện nay, xã Tịnh Thọđang tăng tốc thực hiện các tiêu chí xây dựng xã Nông thôn mới, rất cần có những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh Phan Văn Đủ./.

Viết bởi Kim Cúc - Như Đồng


Có thể bạn quan tâm

Bí quyết nhỏ nuôi lợn có lãi
Bí quyết nhỏ nuôi lợn có lãi
Bí quyết nhỏ nuôi lợn có lãi

Quy mô chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Chắm chưa lớn, nhưng ở xã Hà Vị (Bạch Thông, Bắc Kạn) thì chị nổi tiếng là người nuôi lợn mát tay.

Phú Yên: Nuôi dê cho thu nhập khá
Phú Yên: Nuôi dê cho thu nhập khá
Phú Yên: Nuôi dê cho thu nhập khá

Thôn Phú Hòa, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, hiện có khoảng 10 hộ nuôi dê, trong đó hộ nuôi ít nhất 8 con, hộ nuôi nhiều khoảng 30 con, bà con chủ yếu nuôi lấy thịt và bán con giống...

Khắc phục tình trạng bò biếng ăn
Khắc phục tình trạng bò biếng ăn
Khắc phục tình trạng bò biếng ăn

Tình trạng bò bỏ ăn có thể đến từ nhiều nguyên nhân, vì vậy người nuôi cần phải quan sát, phát hiện và có biện pháp điều trị phù hợp để giúp bò khỏe mạnh và phát triển tốt.