Người dân cần chủ động phòng chống dịch cho gia cầm (ảnh minh họa)
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh từ bên ngoài môi trường xâm nhập các cơ sở chăn nuôi, cần tăng cường biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Giáp Thìn, đây là lúc các cơ sở chăn nuôi có lượng gia cầm rất lớn phục vụ thực phẩm cho người tiêu dùng trong các tháng cuối năm, dịp Tết và lễ hội mùa xuân. Tuy nhiên thời tiết mùa đông nhiệt độ thấp, kèm theo mưa, thuận lợi cho mầm bệnh từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi dễ phát triển thành dịch.
Để phòng bệnh cho đàn gia cầm trong thời gian tới, bà con cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Chỉ chọn mua con giống ở những cơ sở uy tín, có chứng nhận cơ sở giống tốt, bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với gia cầm nhập từ tỉnh ngoài phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Gia cầm mua về phải nhốt riêng, cách xa đàn gia cầm đang nuôi trong vòng 15 ngày để theo dõi và được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine. Khi đàn gia cầm được xác định là hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm thì mới cho nhập vào cùng đàn gia cầm của trại.
Chuồng trại phải được gia cố che chắn kỹ, tránh mưa tạt gió lùa. Vào ngày nắng, bà con nên để ánh nắng trực tiếp chiếu vào chuồng nuôi. Định kỳ tiêu độc chuồng trại và xung quanh trang trại. Các dụng cụ dùng trong trại chăn nuôi phải được khử trùng, không dùng chung dụng cụ chăn nuôi giữa các dãy chuồng.
Cổng ra vào và trước mỗi dãy chuồng phải có hố sát trùng, chất độn chuồng phải khô, sạch, không ẩm mốc và được thay thường xuyên. Bảo đảm đủ diện tích chuồng nuôi và sân chơi cho mỗi giai đoạn phát triển của gia cầm. Chủ động đèn sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Có khu vực riêng để chứa phân và rác thải, sau khi thu gom nên xử lý bằng phương pháp nhiệt sinh học. Không cho người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; các phương tiện đi lại của công nhân phải có chỗ để đúng quy định.
Sau mỗi lần cho ăn phải tiến hành vệ sinh máng ăn, máng uống sạch sẽ, nguồn nước uống bảo đảm trong sạch, không ô nhiễm, thức ăn phải có nguồn gốc và tùy theo từng lứa tuổi để lựa chọn phù hợp đối với gia cầm. Chủ động dự trữ nguồn thức ăn và thuốc thú y cho đàn gia cầm đề phòng khi thời tiết xấu kéo dài.
Phải có lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã, chuột và các động vật khác; chủ động vaccine tiêm phòng cho toàn đàn. Lưu ý vaccine cúm gia cầm để phòng bệnh dùng với liều lượng 0,5 ml/con. Thực hiện cùng nhập cùng xuất.
Thường xuyên nghe thông tin về thời tiết, tình hình dịch cúm gia cầm trong và ngoài tỉnh để có kế hoạch phòng chống kịp thời. Khi thấy đàn gia cầm có biểu hiện bất thường phải báo ngay với chính quyền địa phương và cán bộ thú y để kiểm tra và xử lý kịp thời. Bà con tuyệt đối không được giấu dịch, không vứt xác gia cầm ra môi trường và không giết mổ, bán chạy gia cầm ốm, gia cầm nghi mắc bệnh.
Nguyễn Minh Đức – Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Hải Dương
Nguồn: Báo Hải Dương
Có thể bạn quan tâm
Để khôi phục lại sản xuất chăn nuôi sau mưa lũ, các hộ dân trong vùng thiên tai cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật.
Việc định kỳ vệ sinh tiêu độc, khử trùng để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi là cần thiết.
Để đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt, bà con cần quan tâm tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET