Hotline: +84 243 869 1980

Bệnh và điều trị

Phòng trị bệnh lê dạng trùng ở trâu, bò

Cập nhật: 27/01/2024, 14:13:46

Diễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVETDiễm Uyên – HUPHAVET

Phòng trị bệnh lê dạng trùng ở trâu, bò
Chăm sóc nuôi dưỡng tốt để tăng cường đề kháng cho trâu, bò. Ảnh: Ronald Hissin

(Người Chăn Nuôi) – Lê dạng trùng là bệnh có thể gây thiệt hại lớn đến trâu, bò nếu không chữa trị kịp thời. Do đó, để hạn chế dịch bệnh xảy ra, người nuôi cần xác định được nguyên nhân, triệu chứng và đưa ra phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao.

Nguyên nhân
Bệnh lê dạng trùng là bệnh do loài động vật đơn bào có hình dạng quả lê, kích thước nhỏ bé từ 1- 2 µm ký sinh trong máu các loài động vật gây ra. Ở Việt Nam, có 2 loài lê dạng trùng chủ yếu gây bệnh cho trâu, bò là loài Babesia bigemina và Babesia bovis.

Vòng đời của lê dạng trùng có 2 giai đoạn: Giai đoạn ký sinh ở hồng cầu trâu bò, sinh sản vô tính và Giai đoạn ở vật chủ trung gian là ve. Trong vật chủ trung gian, lê dạng trùng sinh sản hữu tính, qua 5 giai đoạn, cuối cùng thành bào tử, vào tuyến nước bọt ve, truyền sang trâu bò khi ve hút máu trâu bò.

Đặc điểm dịch tễ
Khi vào máu lê dạng trùng sinh sản vô tính rất nhanh, bám vào hồng cầu, tiết độc tố, phá vỡ hồng cầu sinh ra độc tố kích thích đại não sinh nhiệt gây sốt cao, co giật, thở khó, kém ăn, gầy yếu, sẩy thai, đái ra máu… nếu không điều trị kịp thời bò có thể chết. Bệnh lê dạng trùng ở bò có ở khắp nơi trên thế giới, nhưng phổ biến ở các nước nhiệt đới châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Tỷ lệ tử vong ở bò bị nhiễm đạt đến 90%.

Mầm bệnh Babesia spp. được truyền từ con vật bệnh sang con vật khỏe qua một số loài ve như Ixodes ricinus, Haemaphysalis spp. và Rhipicephalus spp.

Bệnh gặp ở trâu, bò mọi lứa tuổi, giống và không phân biệt giới tính, phổ biến ở vùng nóng ẩm, đặc biệt là vùng đồng bằng và miền núi, nơi có nhiều loài ve truyền bệnh. Ở những vùng dịch mang tính chất địa phương, bệnh xảy ra chủ yếu trên trâu, bò non.

Triệu chứng lâm sàng
Ở thể cấp tính, thời gian ủ bệnh từ 10 – 15 ngày. Trâu, bò mệt mỏi, kém ăn trong thời gian ủ bệnh. Sau đó sốt cao liên tục hàng tuần ở 40 – 41 độ C, đái ra nước tiểu màu hồng, đỏ dần và cuối cùng đỏ đậm như màu cafe do trong nước tiểu có nhiều huyết sắc tố, có trường hợp bò ỉa chảy ra máu. Các hạch lâm ba sưng to, phù thũng đặc biệt là hạch trước vai và trước đùi. Hồng cầu và huyết sắc tố giảm xuống rất nhanh, có thể giảm tới 60 – 70% so trạng thái sinh lý bình thường. Nhất là bò có hiện tượng khó thở do thiếu hồng cầu vận chuyển ôxy. Các niêm mạc: mắt, miệng đỏ sẫm mấy ngày đầu, sau tái nhợt ở giai đoạn cuối của bệnh. Ở thể mãn tính, có các dấu hiệu lâm sàng giống thể cấp tính nhưng nhẹ hơn. Bò thể hiện thiếu máu, gầy yếu và giảm sản lượng sữa hoặc cạn sữa. Một số trường hợp bò mang thai bị bệnh có thể sảy thai.

Bệnh tích
Phổi có thể phù và sưng. Gan sưng và hoàng đản, túi mật có thể xuất huyết ở bề mặt màng nhày, túi mật giãn to ra với vách dày, chứa mật xanh đen. Lách sưng rõ rệt. Máu loãng và lỏng. Bàng quang thường giãn to, chứa nước tiểu sậm màu đỏ nâu. Hoàng đản thường phân bố ở mô liên kết. Các hạch lâm ba phù và thường có xuất huyết lấm tấm.

Phòng trị bệnh
Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống, phát quang bụi rậm, lấp vũng nước, khơi thông cống rãnh, bãi chăn để côn trùng không lưu trú và phát triển.

Hàng năm, thực hiện tiêm phòng bệnh cho trâu, bò vào thời điểm đầu mùa nắng nóng (tháng 3 đến tháng 4 hàng năm).

Định kỳ dùng thuốc khử trùng tiêu độc: Han-Iodine 10% phun 1 – 2 lần/tuần.

Định kỳ 4 – 6 lần/tháng kiểm tra máu trâu, bò.

Chăm sóc nuôi dưỡng tốt để tăng sức đề kháng cho trâu, bò.

Điều trị
Có thể dùng các thuốc như Heamospiridin, Acriflavin, Azidin 1,18 g để điều trị bệnh, liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong thời gian điều trị cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt, bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho trâu, bò.

Diệu Châu


Có thể bạn quan tâm

Bổ sung khoáng chất cho dê nuôi
Bổ sung khoáng chất cho dê nuôi
Bổ sung khoáng chất cho dê nuôi

Khi thiếu hụt chất khoáng so với nhu cầu, vật nuôi bị ảnh hưởng xấu, trước tiên là sức khỏe sau đó là năng suất và phẩm chất chăn nuôi. Vì vậy cần lưu ý đến việc đảm bảo bổ sung khoáng chất để dê nuôi phát triển tốt.

Quy trình chăn nuôi vịt theo VietGAHP
Quy trình chăn nuôi vịt theo VietGAHP
Quy trình chăn nuôi vịt theo VietGAHP

Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) được xây dựng trên các tiêu chí: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm.

Xử lý chậm động dục ở heo nái
Xử lý chậm động dục ở heo nái
Xử lý chậm động dục ở heo nái

Khi thấy heo nái có những biểu hiện chậm động dục trở lại, người nuôi cần xem xét nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp xử lý kịp thời, tránh những thiệt hại về kinh tế xảy ra.