Mô hình nuôi chồn hương của anh Hoàng Văn Tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TÂM THÔNG
Đầu tư trang trại, nuôi cầy vòi hương (chồn hương) thương phẩm cung ứng ra thị trường, mô hình của anh Hoàng Văn Tiến (thôn Mậu Long, xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, với quyết tâm thay đổi cuộc sống, năm 2010 anh Hoàng Văn Tiến đăng ký xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Hơn 4 năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Tiến tích góp được số vốn trở về quê hương. Cuối năm 2019, qua tìm hiểu trên báo, mạng internet, anh Tiến tiếp cận mô hình nuôi chồn hương.
Nhận thấy việc nuôi động vật có nguồn gốc từ tự nhiên có giá trị kinh tế cao, anh Tiến đã đầu tư hơn 250 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 3 cặp giống chồn hương và 50 con dúi về nuôi.
Qua thời gian chăm sóc, do thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ thuật nên đàn dúi không phát triển, không cho hiệu quả. Riêng chồn hương thì dễ chăm sóc, ít bệnh tật nên phát triển tốt, bắt đầu cho thu nhập kinh tế.
Sau khi mày mò, tích lũy kiến thức từ sách vở, anh Tiến từng bước điều chỉnh quy trình, ô chuồng cho phù hợp với lối sống và khả năng sinh sản của chồn hương.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn hướng dẫn nuôi động vật hoang dã cho các chủ cơ sở. Ảnh: TÂM THÔNG
Khu chuồng trại làm nơi yên tĩnh, hằng ngày vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên khử trùng để hạn chế dịch bệnh. Anh Tiến cho biết, nuôi chồn hương không khó, mỗi ngày anh thường cho ăn một lần cháo cá vào buổi chiều và cho ăn thêm chuối, ít cá sống…
Đến nay, trại của anh Tiến nuôi 30 con chồn hương sinh sản. Mỗi năm, chồn hương sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa được khoảng 2 – 3 con.
Hiện trên thị trường, chồn thương phẩm có giá bán từ 1,6 – 1,8 triệu đồng/kg, chồn giống tùy theo thị trường, dao động mỗi cặp có giá bán từ 7 – 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, trại chồn hương của anh Tiến cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả cao, ít tốn công chăm sóc, ít rủi ro.
Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Nông Sơn, toàn huyện hiện có 8 cơ sở nuôi động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp. Đơn vị đã hướng dẫn các thủ tục gây nuôi và thực hiện theo dõi, quản lý theo đúng theo quy định của pháp luật.
Anh Tiến cho biết, hơn 4 năm nuôi chồn hương, anh thường xuyên được Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn cụ thể việc nuôi động vật hoang dã, làm hồ sơ, thủ tục lưu thông lâm sản theo đúng quy định.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhân giống, xây dựng chuồng trại quy mô, bài bản hơn để mở rộng mô hình, nâng cao sản lượng và chất lượng chồn hương giống cũng như thương phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường” – anh Tiến chia sẻ thêm.
Minh Thông – Minh Tâm
Nguồn: Báo Quảng Nam
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Nuôi nhím sinh sản là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi thức ăn dễ kiếm, hình thức nuôi đơn giản và tốn ít chi phí đầu tư, thời gian xoay vốn nhanh.
(Người Chăn Nuôi) - Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi được xem là con dao hai lưỡi nếu không nắm vững cách sử dụng.
(Người Chăn Nuôi) - Bệnh liệt dạ cỏ (Atomia ruminis) làm cho dạ cỏ co bóp kém và dẫn đến liệt, thức ăn trong dạ cỏ, dạ múi khế không được xáo trộn và tống về đằng sau, khiến vật nuôi giảm nhu động và liệt. để phòng bệnh này,...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET