Anh Nguyễn Văn Hoàng tận dụng cây cỏ trong vườn làm thức ăn cho đàn dê
Từ 6 con dê giống ban đầu, trong vòng 4 năm, anh Nguyễn Văn Hoàng ở bon Đắk R’la, xã Đắk N’Drót (Đắk Mil, Đắk Nông) đã nhân giống thành công và phát triển đàn dê giống Boer (Nam Phi) lên hơn 100 con, đem lại nguồn thu khá cho gia đình.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi
Năm 2012, sau khi chuyển đến Đắk Nông sinh sống và lập nghiệp, cũng như bao người dân xung quanh, gia đình anh Hoàng tập trung phát triển kinh tế bằng nghề nông và có nguồn thu tương đối từ 2 ha tiêu, cà phê. Tuy nhiên, anh Hoàng vẫn luôn suy nghĩ, tìm tòi những cây trồng, vật nuôi hiệu quả để phát triển thêm kinh tế gia đình. Nhận thấy việc nuôi dê có nhiều lợi ích, vừa có thể tận dụng được cây cỏ trong vườn làm thức ăn, vừa bán dê thịt và có phân dê làm nguồn phân bón cho cây trồng.
Nghĩ là làm, năm 2016, anh Hoàng đầu tư 120 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 6 con dê giống về chăm sóc. Anh Hoàng rất tin tưởng vào mô hình nuôi dê của mình, bởi vốn đầu tư ít, quay vòng nhanh, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, giá dê lại khá cao so với các loại vật nuôi khác. Sau thời gian mày mò học hỏi kinh nghiệm từ các nơi, cùng với kiến thức từ sách vở, mạng internet, anh Hoàng đã có những kinh nghiệm cần thiết để phát triển đàn dê của gia đình.
Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, anh Hoàng tìm hiểu đặc điểm của loài dê và áp dụng khoa học kỹ thuật, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Thức ăn cho dê chủ yếu là các loại lá như lá xoan, lá mít, lá bơ, cỏ… và cho ăn thêm cám bắp, cám gạo, bã đậu nành, bã bia.
Đàn dê hơn 100 con đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Hoàng
Quá trình nuôi, anh tìm tòi để thiết kế làm hệ thống chuồng phù hợp, thuận tiện và thực hiện chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để có thể phát triển đàn dê.
Anh làm sàn chuồng lên tới 2m để giúp chuồng trại thông thoáng, dê đỡ mắc bệnh, nhất là bệnh viêm phổi, đau mắt. Ngoài ra, anh còn dùng chế phẩm sinh học để giảm nhẹ mùi hôi trong chuồng và thường xuyên xử lý, dọn dẹp chuồng trại cho sạch sẽ.
Có nguồn thu nhập khá
Hiện tại, anh Hoàng đã có 3 chuồng dê với diện tích 120 m2 để nuôi hơn 100 con dê Nam Phi; trong đó có 60 dê mẹ sinh sản. 1 con dê thời kỳ sinh sản, mỗi năm đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Dê con sau khi chăm sóc, đạt trọng lượng từ 20 - 25 kg là có thể cho xuất chuồng, bán làm dê giống. Căn cứ vào hình thể, độ thuần chủng và chất lượng sinh sản trong tương lai mà mỗi con dê sẽ có mức giá khác nhau và thường dao động từ 180.000 - 300.000 đồng/kg hơi. Với mức giá này, mỗi con dê giống bán ra, anh Hoàng thu về từ 4 - 5 triệu đồng.
Thường xuyên dọn rửa chuồng trại để đàn dê không bị bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt
Anh Hoàng cho biết: "Nuôi dê giúp gia đình tôi có nguồn thu tương đối khoảng 300 triệu đồng/năm mà lại tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có ở trong vườn cho dê ăn. Không chỉ có nguồn thu từ chăn nuôi, tôi còn tiết kiệm khoảng 80 triệu đồng chi phí phân bón trong trồng trọt nhờ việc tận dụng phân dê để bón cây, góp phần tăng năng suất, sản lượng vườn cà phê, tiêu. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư tăng số lượng đàn dê để nâng cao hơn nữa nguồn thu của gia đình".
Với sự cần cù, chịu khó, anh Hoàng đã mạnh dạn tìm thêm hướng đi mới để phát triển kinh tế và thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng, được bà con trong vùng học tập.
Bài, ảnh: Linh Thư
Nguồn: Báo Đắk Nông
Có thể bạn quan tâm
Cử nhân đi bán thịt lợn: “Có gì lạ đâu” Hoàng Mạnh Thắng quê ở Lạng Sơn và Nguyễn Ngọc Thắng ở Tuyên Quang cùng 27 tuổi.
Cập nhật lúc 19:52, Thứ Hai, 28/10/2013 (GMT+7) Nhắc đến loại cá đặc sản nước lạnh này, nhiều người sẽ hình dung ra cá nhập khẩu, nếu không cũng chỉ ở những vùng như Sapa (tỉnh Lào Cai) hay Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) - những nơi có nguồn nước lạnh...
Để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 2042/QĐ-UBND...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET