Ðến cuối năm 2021, TP Cần Thơ có đàn heo 139.878 con, vượt 8% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Chăn nuôi heo tại một hộ dân trên địa bàn TP Cần Thơ.
Thời gian qua, giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi tăng cao và nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ rủi ro cho người chăn nuôi. Ðặc biệt, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 làm nhu cầu tiêu thụ nhiều loại thịt giảm, giá heo hơi và nhiều loại gia súc, gia cầm bị giảm thấp. Người chăn nuôi không kiếm được lời mà còn lỗ nặng.
Trước thực tế này, đòi hỏi ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời để người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm với mức giá phù hợp để tiếp tục đầu tư tái sản xuất. Qua đó, đảm bảo đời sống người dân và giúp ổn định, phát triển ngành chăn nuôi trong nước để đảm bảo vững chắc nguồn cung thực phẩm tại chỗ...
Các năm trước do ảnh hưởng nặng bởi dịch tả heo châu Phi nên đàn heo tại nhiều địa phương ở nước ta sụt giảm rất mạnh, nhất là trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, trong năm 2021, đàn heo tại nhiều địa phương đã phục hồi khá tốt, người dân cũng phát triển nuôi nhiều loại gia cầm và gia súc khác như dê, trâu bò… Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đàn gia súc, gia cầm ở nước ta phục hồi và phát triển mạnh trong năm 2021. Ðàn heo cả nước ước đạt khoảng 28 triệu con, tăng 7,1% so với năm trước. Ðàn gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8%. Ðàn bò khoảng 6,5 triệu con, riêng bò sữa đạt 375.200 con, tăng 13,2%. Sản lượng thịt hơi các loại ước khoảng 6,69 triệu tấn, tăng 3,2%. Sản lượng sữa tươi ước gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%. Sản lượng trứng trên 17,5 tỉ quả, tăng 5,1% so với năm 2020. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, năm 2021 là năm hết sức khó khăn khi chúng ta vừa phải "chiến đấu" với dịch COVID-19 trên người, đồng thời phải kiểm soát tốt dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi. Chúng ta vẫn chưa có vắc-xin để phòng bệnh tả heo châu Phi, trong khi bệnh cúm gia cầm còn tiềm ẩn rủi ro với nhiều chủng cúm gia cầm mới, ví dụ như H5N8. Vì vậy, việc chăn nuôi an toàn sinh học rất là quan trọng. Tính đến hết năm 2021, các chỉ tiêu của ngành chăn nuôi đều đạt và vượt rất cao. Trong đó, thịt heo ước đạt 4,18 triệu tấn, vượt khoảng 20% so với kế hoạch đề ra. Thịt gia cầm đạt 1,939 triệu tấn, tăng tới 32%... Các số liệu cho thấy sự tăng trưởng rất tốt, các sản phẩm chăn nuôi thịt, trứng, sữa phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2022 tới đây đều tăng. Chúng ta hoàn toàn chủ động được các nguồn thịt, trứng, sữa trong nước để phục vụ Tết Nguyên đán. Các địa phương cần phối hợp cùng với các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan để tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để thúc đẩy thu mua, chế biến, lưu thông, tiêu thụ kịp thời sản phẩm chăn nuôi cho bà con.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện năng lực của ngành chăn nuôi nước ta đã được tăng cường và sức sản xuất đang rất lớn. Trong khi dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục có những tác động xấu đến việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là tiêu thụ thông qua khách du lịch trong và ngoài nước, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn… do vậy cần có những tính toán để giải quyết đầu ra cho sản phẩm ngành chăn nuôi. Ðặc biệt, cần quan tâm tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường trong nước tăng vào dịp Tết Nguyên đán tới đây. Các cơ quan chức năng cần tích cực vào cuộc để đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp và người dân ưu tiên kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế hàng nhập khẩu. Ðồng thời, tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi để mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo điều kiện cho người chăn nuôi bán sản phẩm được giá cao, góp phần ổn định và phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi.
Bài, ảnh: Khánh Trung
Nguồn: Báo Cần Thơ
Có thể bạn quan tâm
Trước sự cạnh tranh gay gắt từ các “ông lớn” ngành thịt bò thế giới đang nắm giữ cơ sở sản xuất giống và chế biến vượt trội, Thái Lan nỗ lực phát triển ngành chăn nuôi bò thịt với tham vọng xây dựng đế chế vững mạnh tại thị...
Thứ Bảy 07:03 08/02/2014 (HNM) - Nhiều năm qua, gia đình cựu chiến binh (CCB) Đỗ Quang Hòa ở thôn Áng Gạo luôn được công nhận là gia đình CCB tiêu biểu của xã Thụy An (huyện Ba Vì) trong phong trào phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.
Cử nhân đi bán thịt lợn: “Có gì lạ đâu” Hoàng Mạnh Thắng quê ở Lạng Sơn và Nguyễn Ngọc Thắng ở Tuyên Quang cùng 27 tuổi.
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET