Trong những ngày nắng nóng, anh Phạm Văn Tấn (xã Tam Hồng, Yên Lạc) vận hành máy quạt nước, tạo khí ôxy cho đàn cá.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết mùa hè năm nay có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, có những ngày lên tới 40 độ C, làm giảm sức đề kháng và khiến vật nuôi có thể bị chết do nắng nóng. Dưới sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, các hộ, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nắng nóng để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm (GSGC), giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Toàn tỉnh hiện có 122,3 nghìn con trâu, bò; 458,5 nghìn con lợn; 11,83 triệu con gia cầm và hơn 4.750 ha nuôi trồng thủy sản. Thời điểm này, nắng nóng đang diễn ra diện rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động phòng, chống nắng, nóng, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho chăn nuôi của tỉnh phát triển, ngày 13/5/2021, Sở NN &PTNT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc và đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, các chủ trang trại áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi.
Trong đó, chú trọng việc giảm mật độ nuôi; đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng loài vật nuôi; phủ các loại vật liệu lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp và phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện sớm GSGC ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh.
Ông Đỗ Đức Tỉnh, Phó Trạm trưởng Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Tường cho biết:
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác phòng chống nắng, nóng, bảo vệ đàn vật nuôi, Trạm đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, hướng dẫn người chăn nuôi GSGC áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng, nóng, dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng vật nuôi; các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho GSGC.
Theo đó, trong những ngày nắng nóng, chia khẩu phần cho GSGC ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh và bổ sung vitamin C, cung cấp đủ nước sạch, có bổ sung chất điện giải để tăng sức đề kháng.
Đối với trâu, bò, lợn nên thường xuyên tắm nước mát để giảm nhiệt cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; trong những ngày nắng nóng cao điểm, không chăn thả và nên nhốt trâu, bò tại chuồng hoặc tại các khu vực có bóng mát, cây xanh; tăng cường vệ sinh, khử khuẩn môi trường xung quanh chuồng trại.
Đối với thủy sản, tăng cường vận hành các máy tạo ôxy để cân bằng nhiệt độ môi trường nước, tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt dễ nhiễm bệnh và chết.
Trước những khuyến cáo của chính quyền các cấp, trong những ngày này, chị Chu Thị Hồng, chủ trang trại nuôi lợn và gà đẻ tại xã Chấn Hưng nhắc nhở công nhân thường xuyên phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, sử dụng bạt che chắn, cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung thêm vitamin C, điện giải, B.Complex cho GSGC uống.
Chị Hồng cho biết, hiện trang trại của gia đình đang nuôi 2.000 con gà đẻ, 100 lợn nái và 600 lợn thịt.
Việc chủ động áp dụng các biện pháp giải nhiệt, bảo vệ đàn vật nuôi rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tại nhiều địa phương trong cả nước, dịch Tả lợn Châu Phi đã bùng phát trở lại.
Chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, tập trung cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối... là những biện pháp mà chị Chu Thị Hồng - chủ trang trại chăn nuôi ở xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường) đang áp dụng để bảo vệ đàn gà trong những ngày nắng nóng.
Trong những ngày nắng nóng này, 3 chiếc máy quạt nước, tạo khí ôxy cho cá tại trang trại nuôi cá của gia đình anh Phạm Văn Tấn, thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng (Yên Lạc) cũng vận hành hết công suất để cân bằng nhiệt độ môi trường nước, tránh hiện tượng cá bị sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, anh Tấn còn cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát, giảm từ 30 - 50% lượng thức ăn và bổ sung thêm các loại men tiêu hóa, vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.
Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin đợt I trên đàn GSGC, qua đó, góp phần quan trọng để giảm thiểu bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là trong thời tiết nắng nóng.
Trước những khuyến cáo của ngành nông nghiệp, các hộ, chủ trang trại chăn nuôi cần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp giải nhiệt, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.
Bài, ảnh: Hồng Nhật
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc
Có thể bạn quan tâm
(Người Chăn Nuôi) - Với điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, mới đây UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch phát triển giống bò lai hướng thịt trên địa...
Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học” tại xã Ðề Thám (TP. Cao Bằng) và xã Hoàng Tung (huyện Hòa An).
(Người Chăn Nuôi) - Vì nhớ quê nhà, anh quyết từ bỏ nghề kinh doanh bán hải sản ở TP. Hồ Chí Minh về vùng đất Cờ Đỏ để chọn con trâu là “đầu cơ nghiệp”. Đó chính là anh Trần Bá Linh, ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện...
Đồng hành cùng người chăn nuôi
© Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y Diễm Uyên – HUPHAVET